Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bắt bệnh” chuẩn để kê đúng thuốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại thời điểm chỉ còn hơn chục ngày sẽ kết thúc năm 2012 đầy biến động khó khăn của nền kinh tế, giới chuyên gia nhận định: Việc làm có thể coi là hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) lúc này chính là các nhà làm chính sách nên đánh giá đúng thực trạng "sức khỏe" DN để tìm được đâu là nguyên nhân sâu xa, từ đó mới mong "kê thuốc" cho chuẩn…

Đừng quá "tô hồng" hay "bôi đen"

Tại "Diễn đàn Đầu tư và phát triển DN Việt Nam" ngày 11/12 tại Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết: Tính chung cả năm 2012, có khoảng 55.000 DN giải thể và dừng hoạt động, tăng gấp 3 - 4 lần năm ngoái. Song, cả năm vẫn có trên 65.000 DN đăng ký thành lập mới. "Như vậy vẫn có hơn một vạn DN gia nhập nền kinh tế, phản ánh đúng quy luật thị trường. Thực tế, Việt Nam đã không xảy ra xu hướng đổ vỡ DN hàng loạt như dự đoán, cũng nhờ sự thích ứng tốt với hoàn cảnh, chủ động tái cơ cấu của DN, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa. Chúng ta không quá "tô hồng" nhưng cũng không nên quá bi quan về tình hình DN hiện nay" - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, nhận định này của ông Tuấn lập tức nhận được nhiều ý kiến phản biện. TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam phân vân, con số được cơ quan quản lý Nhà nước công bố xa vời so với thực tế cuộc sống đang diễn ra tại các DN. "Thực tế DN đang bế tắc nhiều bề. Trong số 65.000 DN mới ra đời, liệu có bao nhiêu DN đã "chết" rồi lại "sống" sang lĩnh vực khác để tìm cách vay vốn, tức là thực chất vẫn là DN cũ".

“Bắt bệnh” chuẩn để kê đúng thuốc - Ảnh 1

Việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp là yêu cầu hết sức bức thiết. Trong ảnh: Tư vấn khách hàng vay tiền tại chi nhánh Oceanbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khó khăn kinh tế khiến những điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh hiện nay của DN chủ yếu là trong thế bị động, bắt buộc phải tìm đến đối tác nước ngoài mà không hẳn chủ động điều chỉnh chiến lược. Chúng ta không nên "bôi đen" nhưng cũng không quá "tô hồng" về sức khỏe DN hiện nay bằng những con số khô khan không sát thực. Như vậy sẽ không thể tìm cho đúng nguyên nhân để có được giải pháp phù hợp cho nền kinh tế.

Thống kê từ VCCI cho biết, chỉ có vẻn vẹn 2 trong số 2.500 DN nhỏ trên cả nước đến nay phát triển lên được quy mô vừa. Quá trình thật gian nan qua hơn 25 năm đổi mới Việt Nam mới có được một đội ngũ DN, nhưng hiện lực lượng này ngày càng giảm đi, phải bán thương hiệu, sản phẩm cho nước ngoài, phải gắn mình vào DN lớn… Thị phần nội địa của DN Việt giảm tỷ trọng để nhường sân cho DN nước ngoài tràn vào, nhiều thương lái trốn thuế. Trong giá trị xuất khẩu, tỷ trọng hàng hóa Việt cũng giảm mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Không đồng ý với cách "an ủi" về thực trạng DN Việt Nam hiện nay, Luật gia Vũ Xuân Tiền nhấn mạnh, thời gian qua đã có nhiều giải pháp trợ giúp DN như Nghị quyết 13, Nghị định 29 vừa có hiệu lực một thời gian ngắn, nhưng trong khi DN chưa kịp hưởng lợi thì giá điện, giá xăng… đã tăng ngay. Đến giờ cơ quan quản lý lại "quyết" thu cho được phí đường bộ... Câu hỏi đặt ra là, phải chăng mục tiêu thu ngân sách về cho Nhà nước lớn hơn mục tiêu cứu DN?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để biết bao nhiêu DN giải thể, hoạt động hay đã "chết", nên căn cứ vào thông tin từ cơ quan thuế là chính xác nhất, bởi còn "sống khỏe" thì mới có doanh thu nộp thuế. Thực tế, số liệu ngành thuế cho thấy, so với thực tế lượng DN đăng ký kinh doanh thì chỉ khoảng 40% DN nộp thuế.

Đổi mới ngay cách làm chính sách

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua không ít chính sách hỗ trợ DN dù xuất phát từ ý tưởng rất tốt, nhưng đáng buồn không được thực thi đúng, hoặc được áp dụng vào thực tế với tỷ lệ rất nhỏ, nên giúp ích DN rất kém so với trông đợi ban đầu. Nguyên nhân là do những chính sách tốt có khi bị "khắc chế" bởi các tác động, sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan trong việc tiếp cận, tham vấn từ thực tế của DN...Dẫn chứng điển hình về những khó khăn của DN do chính sách gây ra, đó là câu chuyện tại Công ty Giấy Sài Gòn. DN này đầu tư một nhà máy mới hiện đại, nhập thiết bị lọc nước thải từ CHLB Đức đã 3 năm nay nhưng qua nhiều lần thẩm định, đến giờ vẫn chưa được cấp phép đầu tư. Lý do đơn giản vì các đơn vị thẩm định… chưa hiểu công nghệ này. Từ dẫn chứng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng tại Việt Nam hiện có quá nhiều công cụ hành chính làm khó cho DN.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, nhiều chính sách chỉ có tác dụng "nửa vời". Và chính sách đưa ra càng nhiều, trong khi DN đang khó khăn sẽ càng làm nền kinh tế rối hơn, do không sát thực tế và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Còn Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, cần thay đổi ngay quy trình làm luật, bởi nguy hiểm nhất là chính sách đưa ra mà chỉ chủ yếu nhằm tạo thuận lợi nhất cho cơ quan quản lý.

Những năm trước vốn tín dụng dồi dào, tăng 30%/năm, DN vay dễ dàng, còn năm nay chỉ tăng 5%, cộng thêm hàng tồn kho lớn…, khiến nhiều DN danh nghĩa là đang hoạt động nhưng thực chất chỉ cố gắng duy trì 30% công suất nhà máy đã là mừng. Trong lĩnh vực thương mại, tại các chợ, siêu thị, nhiều tiểu thương đã bỏ sạp. Nhà làm chính sách, các cơ quan quản lý cần nhìn nhận đúng thực tế cuộc sống như vậy mà ngồi lại với nhau, xem xét nên cứu DN loại nào và cứu bằng cách nào, tránh những DN chết oan do không được cứu kịp thời và ngược lại có những DN bất động sản đã được "bơm" vốn rồi vẫn chết.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh