Bất chấp Covid-19, ngành TT&TT vẫn tăng trưởng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Bộ TT&TT, trong năm 2021, tổng doanh thu của ngành TT&TT đã đạt 3.462.170 tỷ đồng và tăng trưởng 9% so với năm ngoái.

Cụ thể, lĩnh vực bưu chính doanh thu đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên lợi nhuận chỉ đạt 130 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lĩnh vực viễn thông, doanh thu đạt 130.768 tỷ đồng, cao hơn năm 2020. Lợi nhuận đạt 42.764 tỷ đồng. 

 Viễn thông vẫn đang là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất cho ngành TT&TT.
Đối với lĩnh vực Ứng dụng CNTT, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 4/tổng số DVCTT đạt 50% (tăng 62% so với 2020).  Tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến/ tổng số DVCTT mức độ 3,4: giảm so với năm 2020 vì số lượng DVCTT mức độ 3,4 tăng mạnh (tăng 24%).  

Doanh thu lĩnh vực An toàn thông tin mạng đạt 3.889 tỷ đồng, tăng so với con số 3.297 tỷ đồng của năm 2020. 

Trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu đạt khoảng 3.151 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp ICT Việt Nam đạt 434.000 tỷ đồng (chiếm 14%), phần doanh thu còn lại thuộc về các doanh nghiệp vốn FDI. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực. 

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và ngành TT&TT nói riêng, nhưng với tinh thần chủ động, nỗ lực sáng tạo, trong năm 2021 toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/172 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2020. Trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế - GCI, từ vị trí thứ 50 năm 2020 lên vị trí thứ 25 trong năm 2021.

Đáng chú ý, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quá trình chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ trong thời gian rất ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, truyền thông, báo chí đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế; đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. 

Đồng thời báo chí cũng thực hiện tốt việc chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.