Kinhtedothi - Theo dự báo, bể than có diện tích khoảng 2.500km vuông, với tổng trữ lượng vào khoảng 210 tỷ tấn với chất lượng tốt, phân bố chủ yếu và tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình (chiếm gần 90% trữ lượng).
TKV chính thức khởi công Đề án thăm dò bể than Đồng bằng sông Hồng.
Sáng 21/9, tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Lễ khởi công thực hiện Đề án thăm dò than khu Nam Thịnh, Nam Hưng, huyện Tiền Hải (thuộc bể than Đồng bằng sông Hồng).
Bể than Đồng bằng sông Hồng được phát hiện từ những năm 60 của Thế kỷ trước. Theo dự báo, bể than có diện tích khoảng 2.500 km vuông, với tổng trữ lượng vào khoảng 210 tỷ tấn với chất lượng tốt, phân bố chủ yếu và tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình (chiếm gần 90% trữ lượng).
Tuy nhiên, trong thời gian trước đây, mức độ thăm dò bể than sông Hồng còn thấp, chủ yếu ở cấp dự báo, công tác điều tra, đánh giá chưa đầy đủ. Việc Chính phủ cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai Đề án thăm dò than khu vực Nam Thịnh Nam Hưng, huyện Tiền Hải có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cho việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp để tiến tới đầu tư khai thác thương mại.
Theo kế hoạch, tổng diện tích khu vực được cấp phép thăm dò là 5,29km vuông; độ sâu thăm dò đến mức - 1.200 mét. Nhà thầu thi công sẽ khoan 23 lỗ với tổng số mét khoan là 19.650 mét; trong đó có 18 lỗ khoan địa chất và năm lỗ khoan địa chất thủy văn. Sau đó, gia công, phân tích hơn 500 mẫu than, 300 mẫu đá, 240 mẫu khí để xác định đặc điểm, tính chất của than, đá theo các chỉ tiêu khác nhau. Dự kiến, trữ lượng than đạt được sau thăm dò là khoảng 236 triệu tấn.
Trước mắt, giai đoạn một thi công tại hiện trường khoảng 24 tháng (từ tháng 9 /2015 đến tháng 9/2017). Giai đoạn hai (từ tháng 9/21018 đến tháng 9/2019) sẽ tống hợp kết quả thăm dò, lập báo cáo địa chất, trình và thông qua tại Hội đồng trữ lượng Quốc gia.
Hoạt động thăm dò tại bể than sông Hồng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và tiến trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa của tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; góp phần giải quyết khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng than lâu dài, ổn định, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế đất nước.