Mức lợi nhuận cao nhất khu vựcViện dẫn những bất cập cố hữu của thị trường nhà đất trong thời gian gần đây, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam đánh giá, phân khúc căn hộ cao cấp có dấu hiệu dư cung, còn thị phần nhà ở bình dân và trung cấp dù giữ vai trò chủ đạo lại khó phát triển trong ngắn hạn khi chỉ tập trung ở ven đô với nhiều bất cập về hạ tầng, tiện ích, dịch vụ. Riêng BĐS nghỉ dưỡng có độ chững nhất định do vướng pháp lý “sở hữu”. “2019 được ví như năm triển vọng của BĐS công nghiệp. Chỉ xét về mức lợi nhuận trên chi phí và lợi nhuận trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển BĐS công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11 - 12%, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000ha. Cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai. |
Ở góc nhìn kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, dùng từ cơ hội mới sẽ hợp lý hơn cho mọi khả năng đầu tư BĐS công nghiệp của DN. Quá trình đô thị hoá sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực trên thị trường. Việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp hướng đến những ngành chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0, kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển BĐS công nghiệp sẽ tăng gấp đôi.
TS Nguyễn Đình Cung phân tích thêm, ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay phần lớn vẫn là ngành sản xuất cơ bản có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đòi hỏi phải dịch chuyển sản xuất lên cao hơn. Những ngành nghề “xanh”, sử dụng lao động và hàm lượng công nghệ cao sẽ là thế hệ khách thuê BĐS công nghiệp thời toàn cầu hoá. “Sự thay đổi nhanh nhạy như Khu công nghiệp Chu Lai của Thaco là một minh chứng. Chúng ta phải nâng cấp giá trị của các khu công nghiệp hiện hành, không nên áp mệnh lệnh hành chính mà để khu công nghiệp phát triển theo cơ chế thị trường. Cần tiếp cận tổng thể, không chia cắt khu công nghiệp và khu đô thị; không giới hạn hay khống chế đất khu đô thị và đất công nghiệp nếu cần” - ông Cung khẳng định tiếp.
Níu chân không chỉ ở ưu đãi thuếNhững ưu đãi thuế quan và giá gia công thấp được đánh giá là một trong những yếu tố khiến Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt các công ty sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài. Tuy nhiên, theo số đông DN đang rót vốn vào BĐS công nghiệp, chính sách thuế chỉ là yếu tố hấp dẫn có thời hạn. Vấn đề đặt ra, cần linh hoạt tạo ra những sức hút, lợi thế khác để giữ chân khách thuê ở lại.
Liên quan tới vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ phân tích, các nhà đầu tư mang tiền vào Việt Nam thì dễ nhưng mang ra rất khó. Thậm chí, Việt Nam cũng chưa có các cơ chế để giữ được đồng tiền của nhà đầu tư nước ngoài ở lại để đầu tư sinh lời tiếp. Cụ thể, chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Trong tổng số, chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% so với chỉ 10 - 15% ở các nước phát triển như Singapore. Sự khác biệt đáng kể trong cấu trúc chi phí cho thấy nhóm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục cần tập trung cải thiện nhiều hơn.
“Để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí trước các nước khác, việc tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo là cần thiết. Bên cạnh đó, nên lưu tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hải quan cũng như cải thiện kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế” – ông Đặng Hùng Võ khuyến nghị.