Mâu thuẫn vì NSA
Tuần qua, sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội đã giúp chính phủ Mỹ không phải lo về nguy cơ phải đóng cửa trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, sự kiện này đã không che mờ được mối bất đồng trong ngành tư pháp nước này về chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Chương trình nghe lén điện thoại của Mỹ gây tranh cãi ngay trong giới tòa án ở Mỹ. Ảnh: AP
|
Mọi chuyện bắt đầu từ hồ sơ phán quyết dày 54 trang được Thẩm phán liên bang William Pauley thuộc quận Manhattan (New York) công bố hôm 28/12 khẳng định việc NSA theo dõi hàng triệu điện thoại, tin nhắn của người dân Mỹ là hợp pháp và không xâm phạm quyền tự do cá nhân của người dân. Thẩm phán Pauley đã liên hệ đến vụ khủng bố 11/9 làm 3.000 người thiệt mạng và khẳng định, NSA đang cố gắng không để lặp lại thảm kịch trên. Điều này trái ngược hẳn với đánh giá của Thẩm phán Liên bang Richard Leon ở Washington được đưa ra hồi giữa tháng này. Bất đồng về những phán quyết của các tòa án liên bang về NSA dẫn đến khả năng Tòa án tối cao Mỹ phải can thiệp để giải quyết.
Trong khi người Mỹ vẫn còn đang rơi vào cuộc chiến về bảo mật thông tin với hai luông quan điểm, một bên vì an ninh quốc gia hay vì sự tôn trọng quyền tự do riêng tư trong cuộc chiến bảo mật thông tin, "người lộ mật" Edward Snowden đã được bình chọn là nhân vật gây chấn động nhất năm 2013.
Thái Lan - đối đầu chưa có hồi kết
Những diễn biến căng thẳng của phe đối lập cũng như lực lượng biểu tình tại Thái Lan trong tuần qua đã dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính. Trong khi chính phủ và Thủ tướng Thái Lan tạm quyền Yingluck đã nỗ lực tuyên bố và hành động để thúc đẩy tiến trình bầu cử Hạ viện vào tháng 2/2014, thì phe đối lập lại tìm mọi cách để buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức, ngăn cản tiến trình bầu cử. Sự đối đầu giữa hai bên đã lên tới đỉnh điểm vào ngày 26/12, khi những người biểu tình chống chính phủ và cảnh sát đã xảy ra đụng độ bạo lực đổ máu, làm 2 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương. Thiệt hại về người là quá rõ ràng, thiệt hại về kinh tế, uy tín ngoại giao và vị thế chính trị trong khu vực thì khó có thể đong đếm được do cuộc đối đầu giữa hai phe chưa biết bao giờ mới ngã ngũ. Những người biểu tình chống chính phủ hôm 28/12 đã cảnh báo, sau kỳ nghỉ lễ năm mới sẽ chiếm giữ thủ đô Bangkok. Còn phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ đang gấp rút chuẩn bị đối phó với một cuộc đảo chính có thể xảy ra.
Rõ ràng mâu thuẫn, chia rẽ trên chính trường Thái Lan đã gia tăng sâu sắc, có thể đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào ngõ cụt. Lực lượng quân đội đang cố gắng giữ lập trường trung lập. Tuy nhiên, nếu tình trạng bạo lực tiếp tục diễn biến theo hướng phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát, quân đội nước này sẽ buộc phải dùng vũ lực để can thiệp chính trường.