Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt được hai nghi can lái sà lan đâm sập cầu Ghềnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện hai nghi can đang được di lý về tỉnh Đồng nai để phục vụ điều tra.

Khoảng 7 giờ 15 sáng nay 21/3, qua truy xét, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) khi đang lẩn trốn Sóc Trăng.

Trước đó, vào trưa ngày 20/3, tàu kéo mang biển số SG 3745 do tài công Trần Văn Giang điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở khoảng 800 tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai đã đâm vào mố số 2 của Cầu Ghềnh.
Cú đâm mạnh đã làm nhịp 2 bị rơi xuống sông hoàn toàn, còn nhịp 3 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên mố cầu số 1, cắt đứt đường lưu thông huyết mạch trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Riêng chiếc sà lan bị lật úp trên sông.
Bắt được hai nghi can lái sà lan đâm sập cầu Ghềnh - Ảnh 1

 
Sau khi xảy ra tai nạn, tài công Trần Văn Giang đi cùng Nguyễn Văn Lẹ kịp thời nhảy xuống nước, bơi vào bờ và bỏ trốn.

Chiều qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" để điều tra

Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh, vào chiều tối 20/3 đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác cứu hộ - cứu nạn, xử lý hiện trường, khắc phục hậu quả.

Cuộc họp đã đánh giá, vụ sà lan đâm va, gây gãy sập cầu Ghềnh gây thiệt hại về kinh tế là rất lớn, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường bộ lẫn đường thủy; việc khắc phục cầu Ghềnh dự kiến phái mất 3 đến 5 tháng.

Khi được Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện (vào tối 20/3) do thủy triều dâng nên sà lan gây tai nạn đã tự trôi do, có nguy cơ tiếp tục gây ra nạn; đồng thời có dấu hiện tràn dầu, nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường. 

Ngay sau đó thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các cơ quan chức năng Đồng Nai nhanh chóng lai dắt sà lan gây tai nạn vào nơi an toàn, tổ chức khám nghiệm các phần nổi, phần chìm và sớm trục vớt sà lan.