Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt mạch kê đơn đúng mới chữa được bệnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn về hàng loạt sai phạm trong hoạt động xuất bản, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, trong việc “dẹp loạn” xuất bản cần có cái nhìn toàn diện hơn.

Thời gian gần đây, liên tiếp các đơn vị phải nhận quyết định xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực xuất bản. Có lẽ chiếc roi của nhà quản lý chưa đủ sức răn đe, thưa ông?
Bắt mạch kê đơn đúng mới chữa được bệnh - Ảnh 1

- Tôi cho rằng, việc xử lý như vậy cần xem xét toàn diện hơn. Đã đành là do năng lực, trình độ của biên tập viên các nhà xuất bản (NXB) kém, tinh thần trách nhiệm không cao, những người tham gia vào quá trình xuất bản, kể cả Tổng biên tập của NXB chưa đi sâu và làm hết trách nhiệm của mình, nên để xuất bản phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường. Nhưng ở đây cũng phải nói, trong số những trường hợp sai, có một số trường hợp do trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản của NXB khi sách đã nộp lưu chiểu đến nửa năm mà không phát hiện được sai sót. Thứ hai, những người góp công làm nên xuất bản phẩm gồm họa sĩ thiết kế, trình bày, đối tác liên kết, nhà in... Vậy tại sao chỉ có NXB bị phạt mà đối tác liên kết lại không? Theo tôi, các nguyên nhân ở đây phải được nhìn nhận một cách khách quan. Mỗi người phải gánh vác một phần trách nhiệm của mình chứ không phải NXB phải chịu cả. Tất nhiên đó là sản phẩm của NXB và họ là người chịu trách nhiệm chính.

Vậy theo ông, nên giải quyết như thế nào trước những vi phạm nghiêm trọng và tràn làn hiện nay?

- Vấn đề nghiêm trọng ở đây không phải ở biểu hiện của những cuốn sách mà ở câu hỏi: Tại sao các NXB phải đi liên kết? Hiện nay, nhiều NXB rơi vào tình cảnh không thể tự làm sách, dù biết trước liên kết là chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro, nhưng không còn con đường nào khác. Có ai muốn chia sẻ lợi nhuận, thương hiệu của mình cho người khác đâu, nhưng vì lý do gì mà họ phải đi liên kết? Tuy nhiên, lối thoát và giải pháp có tính tình thế này không nên kéo dài, mà quan trọng phải tìm cho các NXB con đường khác, có thể là bảo đảm cho họ hành lang pháp lý và một số điều kiện về mặt kinh tế vừa đủ để họ làm việc.

Nghĩa là các NXB cần được trợ lực trong bối cảnh hiện nay, thưa ông? - Tôi cho rằng, giải pháp có tính căn cơ nhất hiện nay là ngành xuất bản không nên và không được đứng ngoài quá trình tái cơ cấu mà Chính phủ đã đề ra trong nhiều năm nay. Tức là phải nghiêm túc nhìn nhận lại, đặt lại vấn đề tái cơ cấu ngành xuất bản như thế nào cho hợp lý. Phải có một cuộc tổng rà soát, đánh giá lại năng lực, tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của các NXB. Theo Luật Xuất bản mới ban hành, NXB được cấp 5 tỷ đồng tiền vốn, nhưng tính đến thời điểm này, khi Luật Xuất bản đã có hiệu lực hơn một năm, đã có bao nhiêu NXB được cấp 5 tỷ đồng? Vậy trách nhiệm là ở đâu? Hay chúng ta cứ ra luật, còn đối tượng phải thi hành chỉ là các NXB. Do đó, trong cuộc tổng rà soát này không để bất cứ ai đứng ngoài cuộc mà phải chịu trách nhiệm chung cùng NXB, làm được như vậy thì mọi việc sẽ tốt. Theo tôi, ở đây có cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ sở phát hành, cơ sở in ấn... chứ không riêng NXB. NXB là người làm ra sản phẩm và bị in lậu thì lại bắt họ phải tự bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách tự chống in lậu bằng các biện pháp kỹ thuật và pháp lý. NXB có phải sinh ra là để làm công tác chống in lậu đâu, chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan chống in lậu mà tại sao không làm hết trách nhiệm của mình. Đúng là không biện hộ mà cần lên án việc để xảy ra những sai sót vừa qua, nhưng cũng cần những giải pháp đồng bộ để “bắt mạch kê đơn đúng” thì mới mong chữa trị được “căn bệnh” đã kéo dài này.

Xin cảm ơn ông!