Tuy nhiên, những sản phẩm này thực sự là hàng hiệu hay không thì không phải ai cũng có thể nhận biết.
Rẻ hơn hàng nhập chính hãng
Nếu như trước kia, NTD muốn sở hữu hàng hiệu do nước ngoài sản xuất, chỉ trông chờ vào nguồn do tiếp viên hàng không, người thân mang về theo diện hành lý cá nhân. Nhưng hiện nay, có thể dễ dàng mua hàng xách tay đủ chủng loại nhãn mác, xuất xứ, giá cả như sữa Meiji (Nhật Bản), L’oreal (Hàn Quốc), Nivea, Olaz (Đức)… trên các trang mạng xã hội hoặc các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm loại này.
Trên phố Đông Tác (quận Đông Đa) có không ít cửa hàng treo biển chào bán hàng xách tay. Theo khảo sát của phóng viên, mặt hàng được bày bán nhiều nhất là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng. Nhân viên một cửa hàng cho biết: Sản phẩm bày bán chủ yếu là hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, không có hàng nội. NTD khi được hỏi vì sao lại thích mua hàng xách tay chứ không mua sản phẩm nhập khẩu chính hãng đều có chung câu trả lời là do giá bán rẻ hơn hàng nhập khẩu, chất lượng có phần nhỉnh hơn. Giá bán rẻ hơn là bởi hàng xách tay được đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân không phải đóng thuế nên giá cả cạnh tranh hơn. Chẳng hạn một hộp kem nền BB Cushion của hãng Laneige bày bán tại siêu thị Parkson có giá 930.000 đồng/sản phẩm, thì hàng xách tay cùng loại chỉ 710.000 đồng, lại được giao hàng miễn phí tận nơi.
Đại diện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên phố Thái Hà cho biết: Những chiếc điện thoại xách tay tùy thương hiệu cũng như phân khúc thường rẻ hơn hàng nhập chính hãng đến vài triệu đồng. Chẳng hạn như iPhone 6 loại 16 GB xách tay chỉ là 15,6 triệu đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng bán tại FPT Shop lên đến 17,8 triệu đồng, chênh lệch hơn 2 triệu đồng. Tâm lý sính hàng ngoại nhập giá rẻ đã giải thích lý do vì sao các cửa hàng kinh doanh đồ xách tay liên tục xuất hiện.
Láo nháo chất lượng
Bên cạnh những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, trên thị trường hàng xách tay có không ít hàng lậu, hàng nhái cũng núp bóng hàng xách tay để tiêu thụ. Trên một trang mạng chuyên mua bán hàng xách tay, iPhone 5S Hongkong có mẫu mã giống hệt hàng thật được rao bán với giá hơn... 2,5 triệu đồng, đồng thời còn cam kết bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 3 tháng! Thế nhưng đại diện siêu thị điện thoại di động Hoangha mobile cho biết: iPhone 5S không được sản xuất tại Hongkong, những chiếc điện thoại di động này đều là hàng “dựng” từ những chiếc máy cũ, sau đó gắn mác hàng xách tay để tiêu thụ.
Thực tế cho thấy NTD khi mua hàng “xách tay” đều đặt niềm tin vào người bán chứ không thể xác định được đó là hàng thật, hàng giả, hàng lậu. Vừa qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện một lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng mang thương hiệu nổi tiếng được tiêu thụ dưới danh nghĩa hàng xách tay. Cụ thể, ngày 24/10, Đội quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho K8 (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm ghi xuất xứ từ Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ với các thương hiệu nổi tiếng như Karseell, Kafen, Sasaba, Diva, Keratin, Loeral... không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Chủ lô hàng thừa nhận toàn bộ số mỹ phẩm trên đều do Trung Quốc sản xuất, nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ tại các shop, salon làm đẹp hoặc rao bán trên mạng xã hội dưới danh nghĩa hàng xách tay. Trước đó, lực lượng chức năng qua kiểm tra văn phòng, nhà kho của Công ty TNHH Đầu tư phát triển y tế và hóa chất Vqtech (ở khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) đã phát hiện khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu. Đối tượng Trần Như Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển y tế và hóa chất Vqtech khai nhận số thực phẩm chức năng này được tiêu thụ dưới dạng hàng xách tay...
Điều đó cho thấy, để bảo đảm quyền lợi NTD, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh việc quản lý, kiểm soát các cửa hàng, siêu thị mini kinh doanh hàng xách tay. Bên cạnh đó, chính bản thân NTD cũng nên từ bỏ tâm lý sính hàng ngoại vận chuyển về Việt Nam theo dạng xách tay, bởi có thể đó là hàng giả nhãn mác.