Trong phiên giao dịch ngày 13/5, giá dầu mỏ đi xuống khi những diễn biến liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư tiếp tục lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới. Thông báo ngày 13/5 trên trang web của Chính phủ Trung Quốc cho biết gần 2.500 hàng hóa Mỹ sẽ chịu mức thuế 25%.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, nước này sẽ áp đặt mức thuế mới với tổng cộng 5.140 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10/5 vừa qua về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang đang đe dọa nguồn cung dầu bị gián đoạn tại Trung Động đã đẩy giá dầu thế giới leo dốc liên tiếp trong 3 phiên, từ ngày 14-16/5.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih xác nhận 2 trạm bơm trên đường ống dẫn dầu từ các giếng dầu ở tỉnh miền Đông của nước này tới TP Yanbu nằm bên bờ Biển Đỏ đã là mục tiêu bị tấn công hôm 14/5.
Đường ống dẫn dầu quan trọng này có chiều dài 1.200km với công suất vận chuyển ít nhất 5 triệu thùng/ngày. Ả Rập Saudi coi đây là hành động khủng bố 2 ngày sau khi các tàu chở dầu của nước này bị tấn công ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ngày 16/5, liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng phiến quân nổi dậy Houthi tại thủ đô Sanaa (Yemen). Động thái này diễn ra sau khi Houthi thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công 2 trạm bơm dầu của Ả Rập Saudi bằng máy bay không người lái trước đó.
Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ đề xuất việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sau cuộc họp ủy ban điều phối chung vào ngày 19/5 tới tại Jeddah (Ả Rập Saudi) hay không cũng hỗ trợ giá dầu trong tuần này. Việc cắt giảm sản xuất của các nước trong và ngoài OPEC đã góp phần giúp giá dầu tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay.
Theo kế hoạch, OPEC và các nước đồng minh gồm Nga sẽ họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25-26/6 tới, ngay trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC khởi xướng hết hiệu lực.
Sang phiên giao dịch ngày 17/5, giá dầu thế giới giảm nhẹ, nhưng tăng trong tuần này do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng.
Quan chức cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 17/5 tuyên bố nước này có thể "dễ dàng" tấn công vào các chiến hạm của Mỹ ở vùng Vịnh. Đây là lời cảnh báo mới nhất trong cuộc "đấu khẩu" gay gắt giữa Tehran và Washington những ngày qua. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran đang tiếp tục những nỗ lực ứng phó với lệnh trừng phạt của Mỹ và cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút lui.
Mặc dù giảm trong phiên 17/5, nhưng thị trường dầu vẫn tăng trong tuần này do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu Trung Đông. |
Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran, một thành viên của OPEC, giảm sâu hơn trong tháng 5. Điều này khiến nguồn cung dầu OPEC càng siết lại bởi khối này và Nga từ đầu năm đến nay đã thực hiện thỏa thuận hạn chế khai thác.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô WTI giảm 0,11 USD/thùng, còn 62,76 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu WTI tăng 1,8%, đánh dấu tuần đi lên đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent hạ 0,41 USD/thùng, xuống còn 72,21 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent tăng 2% trong tuần, sau khi giảm trong 2 tuần trước đó.
"Giá dầu đang nhạy cảm với những diễn biến ở vùng Vịnh. Những sự kiện nhỏ về quân sự ở khu vực này cũng khiến rủi ro địa chính trị tăng, đẩy giá dầu đi lên", ông Jim Ritterbusch - Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận xét.
Cũng trong ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Iran bác bỏ cáo buộc của Ả Rập Saudi nói rằng Tehran ra lệnh thực hiện vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa của Riyadh. Đây là vụ tấn công mà du kích Houthi thân Iran ở Yemen đã đứng ra lãnh trách nhiệm.
Trưởng bộ phận giao dịch Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định: "Khi căng thẳng gia tăng tới mức này, cộng thêm việc Mỹ triển khai một lực lượng quân sự lớn tới Trung Đông, thì dù chỉ một sai lầm nhỏ của Iran cũng có thể thổi bùng ngọn lửa xung đột ở khu vực. Với mức độ căng thẳng này, có nhiều rủi ro về nguồn cung".
Thị trường hiện cũng đang chờ xem liệu OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, chủ yếu là Nga, có tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu qua tháng 6 năm nay.
Căng thẳng ở Trung Đông đã lấn át những yếu tố gây sức ép giảm giá dầu trong tuần này, như tồn kho dầu thô của Mỹ tăng và sản lượng khai thác dầu của nước này lập kỷ lục mới. Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực từ mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc.