Ngày 9/6, bác sĩ Nguyễn Thị Hoan - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết, BV vừa tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhi 19 tháng tuổi (ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bị bố mẹ bỏ quên trên xe ô tô giữa trưa nắng.
Trước đó, bệnh nhi được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đến BV trong tình trạng sốt cao 41 độ C, có tình trạng co giật. Gia đình cho biết, trưa 8/6, người nhà cho bé chơi trên xe ô tô. Sau đó, phụ huynh đi làm việc khác đã để quên bé trên xe.
Hơn 3 tiếng sau, phụ huynh không thấy con đâu mới nhớ để quên con trên ô tô nên chạy ra thì phát hiện bé đã hôn mê, xe không nổ máy. Gia đình đưa bé đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu rồi chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu.
Sức khoẻ bé 19 tháng tuổi bị bố mẹ bỏ quên trong ô tô giữa trưa nắng có tiến triển nhưng vẫn còn yếu, cần theo dõi thêm. |
Tại BV, các bác sĩ kết luận trẻ bị sốc nhiệt do ở trên xe ô tô dưới trời nắng quá lâu. Các kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị rối loạn đông máu, bạch cầu tăng, rối loạn điện giải, hạ canxi, hạ kali, sốt 40,5 độ C nên được điều trị tích cực.
Hiện tại, bé tiếp xúc chậm, chưa tỉnh hoàn toàn, vẫn còn cơn kích thích vật vã. Ngoài ra, bé vẫn còn sốt nhẹ, dao động 37,5 - 38,5 độ C. Trẻ đòi ăn nhưng không tiêu hóa được nhiều, ăn lại nôn ra.
Hơn nữa, vận động của trẻ cũng chưa được tự chủ như trước đây, tay chân còn yếu, quờ quạng, đã cai được thở oxy. Tuy nhiên, nhìn chung trẻ hồi phục tương đối nhanh. Câu chuyện là bài học cảnh báo với tất cả phụ huynh.
Theo bác sĩ Hoan, đối với xe ô tô dù loại nào và có khởi động hay không khởi động thì khi không có người lớn ở cùng, tuyệt đối không để trẻ ở trong xe một mình. Ngoài ra, trong môi trường nắng nóng như hiện tại, cần hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời, đi lại ngoài nắng nóng vì rất dễ bị say nắng, say nóng.
Bác sĩ Hoan khuyến cáo, khi gặp trường hợp trẻ bị lơ mơ, hôn mê do ở trong xe ô tô lâu, cần đưa trẻ ngay ra nơi mát, thoáng gió. Sau đó, nếu uống được thì cho trẻ uống nước điện giải, cần hạ thân nhiệt bằng cách chườm mát bằng khăn ướt, nới rộng quần áo để thoáng khí. Nếu ở nhà có thuốc hạ số (paracetamol) thì cho trẻ uống để hạ sốt trước mắt. Trường hợp trẻ không uống được có thể đặt hậu môn cho trẻ. Liều lượng dụng tùy thuộc cân nặng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tiếp theo đó là đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, khi bị bỏ quên trên ô tô đã tắt động cơ, đóng kín cửa, để giữa trời nắng, trẻ đối mặt với nguy cơ ngạt thở và sốc nhiệt. Trên thế giới, phần lớn trẻ bị bỏ quên trong tình trạng này bị tử vong khi được phát hiện.
Trong các tài liệu liên quan sốc nhiệt, bỏ quên trên xe, với trẻ em có tình trạng tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn, trẻ cũng có nguy cơ mất nước cao hơn người lớn. Tuy nhiên, tùy theo từng đứa trẻ, tùy theo thời điểm, thời gian ở trên xe sẽ gây ra hậu quả sốc nhiệt nặng hay mức độ nhẹ.
Sốc nhiệt có thể gây biến chứng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể như tụt huyết áp, thủng cơ tim, suy thận cấp, hạ đường huyết, liệt nửa người, hôn mê, suy gan… Tiên lượng xấu nếu đưa đến viện muộn.
Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). Trong đó gồm 2 loại, sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ, người có bệnh tim mạch… hoặc do tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ, nhiều ngày.
Sốc nhiệt gắng sức hay gặp ở người trẻ, khoẻ mạnh, thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.
Biểu hiện gồm nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô, mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn mửa và ỉa chảy, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, cơn động kinh, hôn mê, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Sốc nhiệt có thể gây biến chứng đến tất cả các cơ quan như tụt huyết áp, thủng cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ hoặc tăng kali máu, hạ canxi máu, hạ đường huyết, liệt nửa người, hôn mê, vàng da, suy gan…
Tiên lượng xấu tỷ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt đến lúc được điều trị. Nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Đặc biệt, tiên lượng xấu khi bệnh nhân có các dấu hiệu như nhiệt độ trên 42,2 độ C, hôn mê, hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, tăng thân nhiệt kéo dài, suy thận, tăng kali máu…
Bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức, bằng cách hạ thân nhiệt và hỗ trợ chức năng các cơ quan.