Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/1, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 8 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các Báo cáo, Đề án và hoàn thành nhiều công việc quan trọng khác.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XII
Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng, cho nhiều ý kiến xác đáng và thống nhất cao về những vấn đề cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XII gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.
Trung ương yêu cầu phải thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XII của Đảng; phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cả về văn kiện và nhân sự để Đại hội thành công tốt đẹp, thật sự là Đại hội đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới.
Bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Ảnh 1
Đánh giá về kết quả của 30 năm đổi mới (1986-2016) cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011-2015), Trung ương yêu cầu phải thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan.
Trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình và những kết quả đạt được trong thời gian qua, dự báo đúng tình hình đất nước và thế giới trong thời gian tới, xác định một cách đúng đắn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2016-2020; đồng thời tiếp tục bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu, tổng kết, thảo luận, tạo sự thống nhất cao hơn về một số vấn đề mới và khó như khái niệm và đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay; mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế cần xây dựng, hướng tới; tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện Việt Nam; tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế"...
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nhất là tiếp tục thực hiện kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các Tiểu ban phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới, khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh các dự thảo gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến; tổ chức tốt việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện, sau đó xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội XII của Đảng.
Tạo chuyển biến rõ rệt trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo tiếp thu hoàn thiện các báo cáo, đề án đã trình tại Hội nghị.
Về Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Trung ương nhấn mạnh cần quán triệt, thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XI, các Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã đề ra; phấn đấu tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút được những người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị công lập của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội.
Bảo đảm sự lãnh đạo và sự quản lý thống nhất của Đảng đối với biên chế của toàn hệ thống chính trị; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong quá trình thực hiện. Thống nhất nhận thức, hành động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống chính trị. Có cơ chế, chính sách đột phá để đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khu vực dịch vụ công. Triển khai đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, nhất là xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý, với số lượng phù hợp. 
Tỷ lệ tinh giản biên chế cần được xác định cụ thể theo từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết tinh giản biên chế, không tăng biên chế, không thành lập tổ chức mới (trừ trường hợp đặc biệt), nhưng phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cơ cấu hợp lý về độ tuổi, giới tính, dân tộc...
Phát triển hệ thống báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả
Về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, Hội nghị khẳng định báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Trong thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng còn những khuyết điểm, hạn chế, bất cập cả trong hoạt động của báo chí và công tác quản lý báo chí.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí; thấy rõ xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, Trung ương khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, cần quán triệt quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học-công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên mạng Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Mục tiêu của Quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.
Hội nghị cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, tiếp tục giới thiệu bổ sung Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội nghị...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10. Ảnh: VGPNEWS
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10. Ảnh: VGPNEWS
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã tiến hành các công việc đề ra rất nghiêm túc, đúng với quy định của Đảng, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, trong không khí thật sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất.

Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp, góp phần kết thúc tốt đẹp năm 2014, một năm Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thu được những kết quả và những bài học kinh nghiệm quý báu, để bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của năm 2015 với quyết tâm cao và khí thế mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, năm giữa kỳ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng; là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, cũng là năm hình thành cộng đồng ASEAN, Việt Nam thực hiện lộ trình cam kết AFTA, mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, ký kết và thực hiện một số hiệp định thương mại tự do; kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn.

Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2015.

Tổng Bí thư chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 là phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại. Tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị và đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2014 và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI đã đề ra.