Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bến xe khách tự phát biến tướng phức tạp

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng lập bến “cóc”, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện của xe khách liên tỉnh tại Hà Nội đã tồn tại từ lâu.

Bất chấp những cố gắng vãn hồi trật tự của cơ quan chức năng, bất chấp sự bức xúc của dư luận xã hội, “căn bệnh kinh niên” này đang ngày càng diễn biến phức tạp và trầm trọng hơn.
Muôn hình vạn trạng

Nhiều chuyên gia cho rằng, so sánh thời điểm hiện tại với chỉ khoảng 5 năm trở về trước, vấn nạn lập bến “cóc”, đón trả khách trong nội thành Hà Nội của xe khách liên tỉnh đã phát triển đến một mức độ khó lòng kiểm soát. Không chỉ gia tăng về số lượng, địa điểm mà dạng thức của các bến "cóc" cũng được ngụy trang dưới thiên hình vạn trạng, rất khó để nhận biết, xử lý. Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhận định, bến “cóc” có thể được lập trên một khu đất dự án chưa thực hiện, dưới hình thức bãi trông giữ xe. Có khi lại “nấp” trong bãi rửa xe, xưởng sửa chữa; có lúc lại nhập nhèm tranh thủ đón trả khách tại các cây xăng; thậm chí là ngay tại các điểm dừng chờ xe buýt…
 Xe khách dừng đỗ, đón trả khách trái phép trên đường Võ Văn Kiệt.    Ảnh: Công Hùng
Khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi Thông tư 63/2014/TT - BGTVT được ban hành với những lỗ hổng trong quản lý xe đưa đón khách theo dạng hợp đồng vận chuyển, nhiều DN vận tải còn dùng ngay chính văn phòng của mình hay bất cứ địa điểm nào hành khách yêu cầu làm nơi đón trả. Theo số liệu của Thanh tra Sở GTVT, trong 9 tháng năm 2016 đã có tới 121 bến bãi, điểm trông giữ phương tiện bị xử phạt liên quan đến xe khách liên tỉnh đón trả khách.

Có thể kể tên hàng chục “điểm đen” vi phạm như: Số 1 Đại lộ Thăng Long; ngõ 2 đường Nguyễn Hoàng; trước cổng Đại học Sư phạm ngoại ngữ (đường Phạm Văn Đồng); phố Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai)… Bên cạnh đó còn có rất nhiều điểm mà lực lượng chức năng không phát hiện ra, hoặc hoạt động nhỏ lẻ, ẩn kín trong nhiều khu dân cư, đô thị mới. Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Đào Việt Long cho biết, đến tháng 10 vừa qua, Sở đã xóa triệt để được 12 bến “cóc” điển hình, xử phạt hành chính hàng chục điểm đón trả nhỏ lẻ khác. “Nhưng tình trạng tái diễn và biến tướng của bến “cóc” đang ngày càng tinh vi, phức tạp hơn” - ông Long nói.

Trách nhiệm không của riêng ai
Việc xử lý lỗi dừng đỗ, đón trả khách thông qua trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình chỉ hữu hiệu đối với các vi phạm xảy ra trên đường, còn với những bến “cóc” đội lốt bãi trông giữ, rửa xe, xưởng sửa chữa thì gần như vô hiệu.

Dư luận đã nói rất nhiều về tình trạng bến “cóc” gây mất trật tự, an ninh, UTGT trong nội đô TP. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng: “Đồng ý là trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan chức năng vì không xử lý được triệt để tình trạng này. Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua phần trách nhiệm rất lớn của chính người dân, những người hàng ngày phải chịu đựng vấn nạn UTGT do xe “dù” bến “cóc” nhưng khi cần vẫn sử dụng chúng, tạo điều kiện, thậm chí là bao che, giúp đỡ cho chúng tồn tại”. Khảo sát nhanh nhiều người dân tại 4 quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, phóng viên đều nhận được câu trả lời: “Tiện xe chỗ nào đón chỗ đấy, đến bến xe chen chúc làm gì cho mệt!”. “Chính một chữ “tiện” đó là nguồn cơn cho biết bao nhiêu hệ lụy xe “dù”, xe khách “trá hình”, xe “buýt nhái”, bến “cóc” nở rộ trong lòng Hà Nội. Bởi tất yếu có cầu sẽ có cung” - ông Nga phân tích.

Hà Nội hiện có trên 7 triệu dân, trong đó 3,2 triệu người sống trong khu vực nội thành, nhưng cả TP chỉ có 5 bến xe lớn là Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Gia Lâm. Thực trạng thiếu bến xe, thiếu phương tiện trung chuyển, kết nối thuận tiện từ nhiều khu dân cư đến các bến xe hiện có cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến vấn nạn bến “cóc” bùng phát khắp nơi. Trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng, thiếu bến bãi, điểm đón trả khách…, dễ hiểu vì sao nhiều DN vận tải bất chấp quy định, tìm mọi cách lách luật để kiếm lời, sẵn sàng chiều ý hành khách, đưa đón đến bất cứ đâu. Đại diện Thanh tra Sở GTVT chia sẻ, thực tế là các quy định về quản lý vận tải còn nhiều kẽ hở, đặc biệt điều kiện kinh doanh đối với loại hình xe hợp đồng còn đơn giản, dễ đáp ứng nên DN còn có nhiều khoảng trống để lách luật. “Tình trạng bến “cóc” như quả bóng bay, bóp chỗ này phình chỗ khác còn có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương, bởi một, hai lực lượng như CSGT, Thanh tra GTVT không thể quán xuyến được hết mọi ngóc ngách của TP” - vị này cho biết thêm.