Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh nhân đái tháo đường tăng chóng mặt

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, đái tháo đường đang trở thành vấn nạn trên toàn thế giới.

Số người tử vong do căn bệnh này gấp hơn 3 lần so với HIV/AIDS hay lao và gấp 10 lần so với sốt rét. Được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, đái tháo đường tiến triển từ từ nhưng để lại hậu quả rất trầm trọng.
Trên 3,5 triệu người mắc đái tháo đường
TS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, nguyên nhân hàng đầu của bệnh đái tháo đường là do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và sự đô thị hóa. Bệnh đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong. Thế giới dự báo trong 20 năm 2010 - 2030, tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54% thì tại Việt Nam chỉ trong 10 năm vừa qua đã tăng tới 200%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng từ 7,7% lên gần 14%. Việt Nam hiện có trên 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo đến năm 2040, con số này sẽ tăng lên đến 6,1 triệu người.
Điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở miền Tây Nam Bộ, sau đó đến duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng, và Đông Nam Bộ. Qua đó cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh của Việt Nam tăng rất nhanh và trải đều trên toàn quốc chứ không chỉ tập trung ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều đáng lo, Việt Nam có đến gần 64% người mắc đái tháo đường nhưng không biết mình bị bệnh, tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20 - 30%. Ngoài ra, độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường typ 2 ngày càng trẻ hóa. “Trước đây, 40 - 45 tuổi mới mắc bệnh, nhưng hiện nay, lứa tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa. Thậm chí, các bác sĩ đã khám và điều trị cho trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường typ 2, không chỉ ở TP lớn như Hà Nội mà cả các tỉnh miền núi như Phú Thọ” - TS Dương cho biết.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, tim mạch và đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Đường huyết cao làm tăng lắng đọng Cholesterol gây tổn thương mạch máu nhỏ (mao mạch), làm suy giảm khả năng cung cấp dưỡng chất đến các cơ quan. Lâu dần, mạch máu sẽ bị thu hẹp lại, bị xơ vữa sinh ra tắc nghẽn ở thành mạch khiến máu không thể cung cấp dinh dưỡng nuôi các bộ phận thiết yếu của cơ thể như não, mắt, tim, phổi… Thậm chí còn gây ra đứt mạch máu. Đó là cơ chế sinh ra biến chứng đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, mù mắt, viêm phổi, gây mất cảm giác ở chi, thần kinh… của bệnh nhân bị đái tháo đường.
Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng đái tháo đường hoàn toàn có thể được phòng ngừa. Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.
Ở một số người có nguy cơ đái tháo đường cao như béo phì, có rối loạn dung nạp glucose, tiền sử đái tháo đường thai kỳ, có hội chứng buồng trứng đa năng ngoài can thiệp lối sống thì thuốc metformin có thể được sử dụng để điều trị phòng ngừa đái tháo đường typ 2.
Để phát hiện bệnh sớm, mọi người cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi. Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
Sáng 14/11, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới. Chủ đề của Ngày Đái tháo đường 2016 do Liên đoàn Đái tháo đường thế giới đưa ra là: Cảnh giác với bệnh đái tháo đường, với 2 thông điệp chính là sàng lọc đái tháo đường typ 2 là quan trọng để thay đổi quá trình phát triển của bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng; sàng lọc biến chứng của đái tháo đường là một phần thiết yếu trong quản lý tất cả các loại bệnh đái tháo đường. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường typ 2 và của việc điều trị nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng.