Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện “căng mình” chống dịch

Bài, ảnh: Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mỗi ngày, trong đó hàng chục bệnh nhân nặng. Các bệnh viện “căng mình”, trắng đêm chống dịch.

Dù số giường bệnh đã phải tăng gấp đôi, gấp ba nhưng vẫn không thể đáp ứng tình hình thực tế, nhiều bệnh viện đã biến phòng họp thành buồng bệnh, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân
Phòng họp thành giường bệnh
Sáng ngày 7/8, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã đưa vào sử dụng Trung tâm chăm sóc ban ngày ngay tại Hội trường BV với 20 giường bệnh nhằm góp phần chống quả tải bệnh nhân SXH. Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh SXH. Cao điểm, có ngày tiếp nhận từ 800 - 1.200 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội. “Do cơ sở vật chất và nhân lực có hạn, BV chỉ có thể tiếp nhận vài chục bệnh nhân vào điều trị nội trú. Đó là những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng và đều ở ngày thứ 3 kể từ khi bị SXH. Những bệnh nhân còn lại được phân tuyến về các BV của Hà Nội như: Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn” - ông Kính nói.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (ảnh chụp sáng ngày 7/8).

Trên thực tế do dịch SXH gia tăng nên từ hơn nửa tháng qua, những BV đầu ngành của Hà Nội cũng đã rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, việc  tiếp nhận thêm bệnh nhân từ tuyến trên chuyển về rất hãn hữu. Vì vậy, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã quyết định  thành lập Trung tâm chăm sóc ban ngày ngay tại Hội trường BV nhằm góp phần giải quyết tình trạng bệnh nhân SXH gia tăng. Khu điều trị ban ngày này có 20 giường bệnh, dự kiến sẽ tiếp nhận, điều trị cho hàng chục bệnh nhân ở Hà Nội được chỉ định điều trị ban ngày, còn tối sẽ về nhà.
BV Bạch Mai cũng đã triển khai một loạt các biện pháp giảm tải như mở thêm 5 phòng khám mới chuyên về SXH. Bên cạnh đó, BV cũng thay đổi thời gian làm việc của BV từ 7 giờ sáng, kéo dài đến 17 giờ chiều; tổ chức cán bộ viên chức đi làm cả thứ Bảy, Chủ nhật. Thời điểm dịch hiện nay, cán bộ nhân viên không được nghỉ phép để tập trung chống dịch. Mỗi bác sĩ trung bình làm việc từ 12 - 14 giờ mỗi ngày.
Bác sĩ nhường phòng cho bệnh nhân
Tại BV Thanh Nhàn, mỗi ngày có khoảng 300 trường hợp đến khám do SXH. Theo Phó Giám đốc BV Nguyễn Thị Thu Hương, hiện, BV đang điều trị cho 520 bệnh nhân SXH nội trú. Đơn vị đã tăng gấp đôi số giường bệnh vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị. Để giải quyết tình trạng bệnh nhân tăng đột biến, tại 3 khoa của BV đã phải dồn phòng của nhân viên y tế, kê thêm giường bệnh, tăng cường bác sĩ trực. Như tại Khoa Cấp cứu, trước đây một kíp trực chỉ 3 bác sĩ nay tăng lên 5 bác sĩ, BV cũng đã triển khai thêm đơn vị điều trị SXH ban ngày theo dõi những bệnh nhân nhẹ.
Còn BV Đa khoa Hà Đông, tính từ đầu năm đến nay đơn vị đã điều trị cho 1.032 bệnh nhân mắc SXH, lượng bệnh nhân tăng mạnh từ tháng 6 cho đến nay. Bác sĩ Tạ Quang Mậu - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa Hà Đông cho biết, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 20 - 30 ca bệnh nhân SXH. Bệnh nhân chủ yếu là người lớn và khi nhập viện đều ở trong tình trạng sốt rất cao, đau đầu, một số bệnh nhân nôn, mệt lả, rong kinh, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Để đáp ứng công tác khám và điều trị cho bệnh nhân SXH, BV đã tăng 2 phòng khám bệnh nhiệt đới tại khoa Khám bệnh, tăng cường nhân lực và giường bệnh tại khoa Cấp cứu và khoa Các bệnh nhiệt đới. BV cũng đã kê thêm 50 chiếc giường bạt (giường gấp) và đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết vị, vật tư y tế... sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, điều trị tốt cho bệnh nhân mắc SXH.
Riêng BV Đống Đa, là đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH nhất tuyến BV TP với 400-500 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó 20% phải nhập viện. Tại khoa Cấp cứu của BV, suốt từ tháng 5 đến nay cứ 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng khám cho 150 bệnh nhân, trong khi ngày thường chỉ 30 - 50 bệnh nhân. Phòng làm việc của bác sĩ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch. Đặc biệt, tại khoa Truyền nhiễm, BV đã phải kê thêm 35 giường, từ 50 lên 85 cho 150 bệnh nhân điều trị nội trú, số còn lại nằm xen tại khoa Nội 2. Phó Giám đốc BV Phạm Bá Hiền cho biết, để đáp ứng nhân lực, BV đã phải huy động thêm bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa khác để hỗ trợ. Toàn bộ giường, chăn, chiếu, quạt của nhân viên cũng được tận dụng dùng cho bệnh nhân.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 60.000 trường hợp nhập viện, 19 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 24,8%; số tử vong tăng 3 người. Riêng Hà Nội, số trường hợp mắc tăng cao, chiếm 73,7% của khu vực phía Bắc...