Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai

Bị "cắt suất" hộ cận nghèo vì... bán mất con bò hỗ trợ xóa nghèo?

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người dân ở xã Phú Lý phản ánh, bà Nguyễn Thị Giang (65 tuổi) hiện đang sống một mình, gia cảnh khó khăn. Tuy vậy, trong ba năm qua, bà đã bị cắt mất chế độ hỗ trợ hộ cận nghèo, khiến cho cuộc sống vốn đã khó lại càng thêm khó...

Cắn răng... bán bò, mất luôn chế độ hỗ trợ!

Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nơi bà Nguyễn Thị Giang đang sinh sống. Đó là một căn nhà tuềnh toàng, mái tôn, vách ván tại tổ 16, ấp 4, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Gặp chúng tôi, bà Giang cho biết, đã nhiều tháng nay bà đổ bệnh nặng. Cả "một đống" bệnh về xương khớp, huyết áp, tim mạch... kéo đến khiến cho sức khoẻ của bà giảm sút nghiêm trọng. Việc đi lại cũng trở nên hết sức khó khăn...

Bà Giang với tập hồ sơ kiến nghị chính quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được các mạnh thường quân xây cho bà căn nhà tình thương.
Bà Giang với tập hồ sơ kiến nghị chính quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được các mạnh thường quân xây cho bà căn nhà tình thương.

Trao đổi với phóng viên, bà Giang cho biết, trước năm 2000 bà được hưởng chế độ hộ gia đình cận nghèo. Do vậy, bà vẫn thường xuyên nhận được chế độ hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Trong năm 2000, bà được nhận nuôi một con bò nhỏ, thuộc chương trình hỗ trợ động vật nuôi của huyện Vĩnh Cửu, dành cho hộ nghèo và cận nghèo để phát triển kinh tế. Đây là con bò cái nhằm nuôi lớn để bò sinh sản, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Có được con bò "làm bạn", bà Giang hằng ngày chăm nuôi cẩn thận, con bò cũng lớn rất nhanh... Không may cho bà Giang, khi mọi việc đang thuận lợi thì bà Giang "bỗng dưng" đổ bệnh nặng, phải đi bệnh viện. Con bò cũng vì vậy mà không có người chăm nuôi... Sợ bò chết, và cũng là để có tiền đi chữa bệnh, bà Giang đành phải... "cắn răng" mang bán con bò. Việc bán bò của bà đã không thông qua chính quyền xã Phú Lý và huyện Vĩnh Cửu.

“Sau khi bán con bò đi để lấy tiền chữa bệnh, tôi cũng bị xã (UBND xã Phú Lý - PV) xóa luôn khỏi chế độ hỗ trợ hộ cận nghèo. Kể cả những nhà từ thiện đến phát quà cho các hộ nghèo, tôi cũng không hề được nhận quà vì không còn tên trong danh sách…” - bà Giang kể.

Bà Giang cho biết thêm, công việc hàng ngày của bà là trồng vài luống rau trong vườn để bán. Nhưng từ vài tháng nay, bà trở bệnh yếu hẳn, không còn trồng rau được nữa. Bà phải đi mua lại rau rồi ra chợ bán. Mỗi ngày bán rau lời 20 đến 30 ngàn đồng. Hôm nào bán không hết thì bị lỗ vốn.

Về hoàn cảnh gia đình, bà Giang cho biết, bà có 3 người con, trong đó có một người con trai đang ở xa làm công nhân, cuộc sống khó khăn. Một người con gái lấy chồng ở miền Trung và đang nuôi người em trai út bị tâm thần.

Những lúc khỏe là bà Giang ra nhặt rau lang trong vường mang ra chợ bán để mua gạo sống qua ngày.
Những lúc khỏe là bà Giang ra nhặt rau lang trong vường mang ra chợ bán để mua gạo sống qua ngày.

UBND xã sẽ xem xét lại để kịp thời giúp đỡ!

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, về nguyên nhân vì sao cắt chế độ “hộ cận nghèo” của bà Giang, ông Đào Văn Hội - Trưởng ấp 4, xã Phú Lý cho biết: Trước năm 2000, bà Giang có đến gần 20 năm thuộc diện hộ nghèo; sau đó, bà được đưa lên diện hộ cận nghèo. Đến năm 2000, bà Giang được đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Việc bà Giang bị cắt chế độ "hộ cận nghèo" có phải là nguyên nhân vì bà bán con bò hay không? Ông Đào Văn Hội nói: "Trường hợp bà Nguyễn Thị Giang bán con bò trước khi bị cắt hộ cận nghèo. Tuy nhiên không phải vì lý do bán con bò mà bị cắt đi hộ cận nghèo. Bà Giang được đưa ra khỏi hộ cận nghèo là do họp tổ xem xét trên các tiêu chí; chẳng hạn bà Giang có tiền cho vay, đồng thời có hai người con trai đi làm công ty… thì đủ để chăm lo cho bà” - ông Hội nói.

Tuy nhiên, Bà Giang vẫn khẳng định là bà bị cắt chế độ "hộ cận nghèo" sau khi bà bán con bò để có tiền đi vào bệnh viện chữa bệnh. Và từ sau khi bà bán con bò, thì những chương trình cấp con vật nuôi khác về hỗ trợ cho các hộ dân nghèo, cận nghèo trong xã bà cũng không được nhận.

Ngoài ra, theo nhiều người dân tại ấp 4, xã Phú Lý, bà Giang trong những năm qua vẫn sống một mình, không ai giúp đỡ. Ba người con đi xa không hề hỗ trợ gì cho bà. Đặc biệt, từ sau khi bà Giang bán đi con bò và bị cắt chế độ "hộ cận nghèo" thì tình cảnh bà trở nên bi đát. Bà không hề nhận được thêm chế độ gì từ các chương trình hỗ trợ người nghèo và sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Bà Giang trình bày hoàn cảnh bi đát hiện tại và cần sự giúp đỡ của xã hội
Bà Giang trình bày hoàn cảnh bi đát hiện tại và cần sự giúp đỡ của xã hội

Bà Mai Anh (một người dân ở xã Phú Lý) - người gần gũi hàng ngày với bà Giang cho biết: “Việc bà Giang cho vay tiền là lời đồn thổi không có thật. Do trước đó, bà Giang được UBND xã xem xét, cho vay tiền ngân hàng lãi suất thấp, bà không vay (do không có khả năng trả - PV) mà nhường suất vay đó lại cho người khác, nhưng vẫn đứng tên bà Giang. Sau đó, bà Giang phải đi thu hồi tiền để trả lại cho ngân hàng. Thực ra, bà Giang không có tiền để sinh sống thì làm sao nói bà có tiền cho vay?”.

Ông Quách Hữu Tài - Trưởng Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Cửu cho biết: Theo quy trình, việc xác định hộ nghèo, cận nghèo… là từ cơ sở dữ liệu điều tra của chính quyền UBND xã thực hiện và chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, Phòng Lao động thương binh và Xã hội sẽ xét duyệt và đề nghị UBND huyện ra quyết định công nhận kết quả. "Nếu có vấn đề gì chưa rõ thì chúng tôi sẽ tiến hành phúc tra lại, xem lại kết quả điều tra của địa phương có chính xác hay không. Trong trường hợp UBND xã làm chưa đúng, thì UBND xã chịu trách nhiệm…” - ông Tài nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Phú Lý cho biết, hiện nay UBND xã đang rà soát, xem xét lại trường hợp của bà Nguyễn Thị Giang. "Nếu thật sự bà Giang có hoàn cảnh khó khăn, và bà năm nay đã đến tuổi 65 không còn sức lao động nữa, nên chúng tôi đang đưa bà vào danh sách xét duyệt hộ "nghèo vĩnh viễn" năm 2023 theo quy định, để kịp thời hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của xã hội” - ông Tiệp nói.