KTĐT - Các bác sĩ thuộc Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess, Boston, đang điều trị cho những bệnh nhân đột quỵ không còn khả năng nói hoặc nói rất ít, bằng cách khuyến khích họ hát.
Những bệnh nhân đột quỵ bị mất khả năng giao tiếp có thể nói trở lại bằng cách nghe hát, sau đó nhắc lại những từ, cụm từ theo giai điệu của bài hát.
Khi trẻ chưa biết nói, một trong những cách giao tiếp giữa người mẹ và em bé là thông qua những bài hát. Đó không phải là sự trùng lặp ngẫu nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh âm nhạc và lời nói có mối quan hệ phức tạp trong bộ não.
Và giờ đây, các nhà khoa học áp dụng chính mối liên hệ này để chữa cho bệnh nhân đột quỵ mất khả năng giao tiếp do tổn thương não trái. Có những bằng chứng cho thấy, âm nhạc có thể giúp bệnh nhân đột quỵ nói trở lại, theo thông tin từ hội nghị thường niên của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học.
Các bác sĩ thuộc Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess, Boston, đang điều trị cho những bệnh nhân đột quỵ không còn khả năng nói hoặc nói rất ít, bằng cách khuyến khích họ hát. Bệnh nhân sẽ nghe các bài hát và sau đó nhắc lại từ, cụm từ theo âm thanh.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, não trái đóng vai trò quan trọng trong lời nói và khả năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, não phải cũng có khả năng tăng cường và thay đổi chức năng của mình để bù cho phần thiếu hụt của não trái. Giai điệu của bài hát có thể giúp bộ não tự tạo ra những dây liên lạc mới đi vòng qua vùng bị tổn thương và từ đó có thể giao tiếp.
Theo kết quả bước đầu, trong khi một số bệnh nhân chỉ có thể học được vài cụm từ, thì một hoặc hai bệnh nhân đã thành công với phương pháp chữa trị này. Họ có thể nói chuyện như bình thường.
Tiến sĩ Gottfried Schlaug, một chuyên gia về thần kinh học thuộc Trường y Harvard cho biết: "Phương pháp này hết sức đơn giản để áp dụng. Thực tế, một số bệnh nhân dù không thể nói nhưng lại có thể hát". Phải mất hơn 14 tuần với 75 buổi làm việc (mỗi buổi một tiếng rưỡi), phương pháp này mới mang lại hiệu quả.