Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi hài chuyện "cải tà" của ông chồng bạo lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Đánh mình đến thâm tím mặt mày, ông ấy bị phạt đi cải tạo. Thế nhưng mình lại phải cất công đi thăm nuôi, y hệt như ông ấy đi tù."

KTĐT - "Đánh mình đến thâm tím mặt mày, ông ấy bị phạt đi cải tạo. Thế nhưng mình lại phải cất công đi thăm nuôi, y hệt như ông ấy đi tù. Đến khi ông ấy bảo biết lỗi, giục mình chạy tiền để bớt tháng, mình cũng phải chạy mấy triệu xin cho chồng về trước hạn 2 tháng", chị Dung kể lại.

Bị chính quyền lập biên bản vì tội đánh vợ quá dã man, người chồng được đưa đi cải tạo ở tỉnh khác. Nhưng, chính vợ là người phải theo "hầu" chồng. Tiền thăm nuôi, bồi dưỡng quà cáp trong “trại” cũng mất gần chục triệu.
 
Đây là lời tâm sự của chị Dung, một nạn nhân bạo lực gia đình. Chính quyền phạt chồng chị đi cải tạo hơn một năm ở tỉnh khác, nhưng chính chị chứ không ai khác là người phải theo chồng.

"Đánh mình đến thâm tím mặt mày, ông ấy bị phạt đi cải tạo. Thế nhưng mình lại phải cất công đi thăm nuôi, y hệt như ông ấy đi tù. Đến khi ông ấy bảo biết lỗi, giục mình chạy tiền để bớt tháng, mình cũng phải chạy mấy triệu xin cho chồng về trước hạn 2 tháng", chị Dung kể lại.

Theo bà Nguyễn Thu Thúy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực giới, những câu chuyện nghe có vẻ ngược đời như trên không phải là hiếm gặp. Là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình, nhưng nhiều khi chính người vợ lại chịu khổ hơn khi tố cáo chồng, chồng bị phạt nhưng chị em lại là người nộp tiền.

"Cũng vì sợ phải nộp phạt mà nhiều người vợ không dám đứng lên tố cáo chồng. Bên cạnh đó, mức xử phạt những hành vi vi phạm về bạo lực gia đình vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe", chị Thúy cho biết.

Một nghiên cứu mới đây (thực hiện tại 5 tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Điên Biên, Lai Châu và Hưng Yên) do Mạng lưới lưới phòng chống bạo lực gia đình thực hiện nhằm đánh giá kết quả hơn một năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng cho thấy những bất cập trong chuyện phạt và nộp phạt:

Chẳng hạn, những vi phạm về Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, nhưng người vi phạm lại bị xử phạt do "quấy rối trật tự công cộng" hay gắn với từ "hành chính".

Vì thế, mức phạt chỉ là "ba trăm nghìn cho lần cứa vào cổ, trăm rưỡi là mới cầm dao thôi", chị Thu, một nạn nhân của bạo lực gia đình tham gia nghiên cứu cho biết. Thậm chí, theo một cán bộ y tế huyện, có trường hợp "chồng đạp vào vế thận của vợ đái ra máu tươi. Chả thấy bị phạt gì".

 Chị Thúy cũng cho biết, nhận thức về Luật của người dân còn hạn chế dù Luật đã có hiệu lực hơn một năm. Nhiều người coi những hành vi như: lấy que đánh, tát, đấm, chửi bới khi không đẻ được con trai, chửi mắng, dọa dẫm khi không được quan hệ tình dục.. chỉ là mẫu thuẫn trong gia đình. Còn đã gọi là bạo lực thì phải là những vụ việc nghiêm trọng, có can thiệp của y tế.

Một vị phó chủ tịch xã tham gia nghiên cứu cho rằng: "Vợ chồng có nhiều khi xô xát nhau tí thôi mà chửi nhau hoặc là thậm chí yêu thì tát nhau một cái thôi, có gì đâu”. Còn theo một cán bộ quản lý khác thì, bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà: “Trong gia đình có những chuyện gì không hay ho thì vợ chồng bảo ban nhau thôi".

Ngay cả khi nạn nhân có yêu cầu can thiệp, muốn đưa chồng đi cải tạo, nói với công an viên thì được bảo "Cứ để từ từ, làm một cái đơn đưa lúc nào thì đi lúc ấy thôi. Nếu mạnh quá thì sẽ mang đi, nhẹ thì cho giải quyết ở xã”, chị Nga, từng nhiều lần bị chồng hành hung kể lại.

Cũng vì thế, việc hỗ trợ cho những nạn nhân của bạo lực gia đình còn hạn chế. Nghiên cứu cho thấy những lời khuyên dành cho nạn nhân còn sáo mòn, thường khuyên người phụ nữ nên cam chịu, "Thôi thì mình là phụ nữ, mình cứ chịu nước lép trong khi nó nóng lên như thế!", thậm chí có thái độ dung tha, bao biện rằng người gây ra bạo lực “rất lành”, “lúc bình thường cũng yêu vợ quý con”...

Một phát hiện khác trong nghiên cứu là biện pháp cấm tiếp xúc được quy định trong 4 điều của Luật nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ hưởng ứng, chưa có vụ nào thực thi vì quá nặng thì công an trực tiếp giải quyết. Nhiều cán bộ tỏ ra xa lạ với biện pháp này vì “hầu hết đã hòa giải” hoặc “nạn nhân không có đơn” hay “ li hôn là hết rồi”.

Theo chị Thúy, để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình, cần tuyên truyền để người dân cần hiểu về Luật, tập trung tuyên truyền vào đối tượng nam giới, thay đổi quan niệm định kiến về giới...

Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực giới để được tư vấn miễn phí (số điện thoại 043775 9333 từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày thứ 2 - thứ 6) hoặc đến tra cứu thông tin miễn phí.