KTĐT - Đỉnh điểm là sau bữa ăn, khi cả nhà đang ngồi xem tivi thì mẹ chồng tương lai bỗng nghe có mùi... bụi và huy động mọi người quét dọn, lau chùi.
Sự kỹ lưỡng quá mức đôi khi phản tác dụng vì vừa làm khổ mình vừa vô tình đẩy người thân, bạn bè ra xa.
Tuy chưa đến mức trở thành bệnh lý cần điều trị nhưng những người “siêu kỹ tính” này rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía người thân
“Bảo đảm, về khoản kỹ tính thì không ai qua được mẹ mình. Bà chẳng hài lòng việc gì trong nhà nếu bà không động tay vào!” – Lan, cô bạn trong nhóm tôi, kể. Chơi với nhau đã nhiều năm, chúng tôi không lạ gì tính kỹ lưỡng của mẹ Lan. Từ ngày nghỉ hưu, bà càng phát huy sự kỹ lưỡng của mình.
Bụi cũng có mùi!?
Đều đặn mỗi ngày, 5 giờ 30 phút, mẹ Lan đi chợ để chọn mua “rau vườn, cá sông”; về đến nhà thì lau nhà, rửa ly tách, dọn nhà vệ sinh, phơi mền gối, nấu cơm; tối, trước khi ngủ lại lau nhà lần nữa. Xen lẫn trong các công việc được lập trình sẵn ấy là những việc lặt vặt khác, quần quật suốt ngày với ngần ấy việc nên đến cuối ngày bà thấm mệt.
Khi cả nhà quây quần bên mâm cơm cũng là lúc bà ngồi... thở dốc nhìn chồng con ăn, còn mình thì húp chén canh cho qua bữa. Chồng con thấy bà vất vả, xắn tay vào phụ nhưng được vài lần đều... rút lui có trật tự. Chồng lau nhà thì bà chê nhà chưa sạch, con gái vào bếp nấu ăn thì sợ làm thức ăn không kỹ, nấu không ngon.
Còn Linh, sau khi đến nhà chồng tương lai ra mắt đã bỏ của chạy lấy người bởi mẹ chồng kỹ tính quá mức. Khi phụ mẹ người yêu nấu cơm, cô đã được nghe thuyết giảng suốt mấy giờ về nếp sinh hoạt trong nhà, mà quan trọng nhất theo mẹ chồng tương lai chính là vệ sinh thế nào cho nhà cửa, bếp núc và cả toilet được sạch sẽ từng centimet.
Đỉnh điểm là sau bữa ăn, khi cả nhà đang ngồi xem tivi thì mẹ chồng tương lai bỗng nghe có mùi... bụi và huy động mọi người quét dọn, lau chùi. Tất cả bàn ghế, cửa sổ, cửa cái, góc nhà, kẹt tủ... đều được lau qua mấy lượt nhưng bà vẫn không hài lòng, nhất định cho là còn mùi bụi và buộc mọi người phải “truy tìm” bụi. Chứng kiến cả phần lý thuyết lẫn thực hành, Linh chỉ còn nước... chuồn và không mong ngày trở lại.
Tuyết Hồng (nhà ở huyện Bình Chánh - TPHCM) tuy chỉ ngoài 30 nhưng không hiểu do bản tính kỹ lưỡng hay do đọc quá nhiều thông tin về rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thịt cá bị tẩm ướp chất độc hại... trên báo đài mà Hồng bị ám ảnh về việc giữ vệ sinh ăn uống.
Rau củ, trái cây trước khi chế biến hay ăn sống, chị đều ngâm trong nước muối 1 giờ rưỡi, xả lại 3-4 lượt bằng nước sạch, vẩy thật ráo nước rồi mới sử dụng. Thịt, cá cũng phải ngâm nước muối, rửa lại bằng nước sôi rồi mới xả nước sạch.
Trong nhà, mọi vật dụng sinh hoạt từ ly tách, khăn, tủ quần áo đều được dùng riêng và làm dấu riêng cho từng người. Mọi thứ trong nhà đều được sắp xếp theo trật tự định sẵn, mọi sự xáo trộn đều khiến chị bực dọc và chị phải sắp xếp lại ngay lập tức, cho dù đang là nửa đêm. Bạn bè, họ hàng biết tính chị nên ít khi đến nhà chơi, sợ làm phiền gia chủ.
Cực mình, khổ người
Dù lý giải bằng lý do gì thì sự kỹ quá mức của một số người cũng trực tiếp hoặc gián tiếp mang đến sự mệt mỏi cho bản thân và những người xung quanh. Bằng chứng là mẹ Lan, sau một năm chuyên tâm dọn dẹp và ăn uống qua loa, bà bị suy nhược cơ thể nặng và suy hô hấp.
Khổ nỗi là từ khi bệnh, bà càng kỹ hơn, suốt ngày đóng cửa ở nhà vì sợ nhiễm khói xe, sợ hít phải bụi bẩn. Gia đình mấy lần tìm người giúp việc nhưng không ai ở được với bà quá một tuần lễ. Bữa cơm gia đình cũng thưa dần vì chồng con hạn chế ăn uống ở nhà, dành thời gian cho bà nghỉ ngơi.
Còn chị Hồng, mặc dù hằng ngày tốn khá nhiều thời gian cho việc ngâm rửa thức ăn, cửa nhà luôn sạch bóng nhưng chồng con chị ngày càng teo tóp. Mới đây, cả nhà đưa nhau đi xét nghiệm ký sinh trùng thì phát hiện ai nấy đều bị... nhiễm giun. Hóa ra, sự kỹ lưỡng của chị bấy lâu nay chỉ làm trôi mất chất dinh dưỡng trong thức ăn, diệt được vài loại giun sán thông thường... chứ không có tác dụng gì đối với các loại vi khuẩn, hóa chất độc hại.
Theo bác sĩ Trần Duy Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Tâm thần, người kỹ quá mức có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm người có thói quen kỹ và nhóm người kỹ lưỡng đã trở thành bệnh ám ảnh cưỡng chế. Đối với người có thói quen kỹ lưỡng thái quá, đòi hỏi cao về sự sạch sẽ, luôn cầu toàn chỉn chu thì chưa có vấn đề bệnh lý nhưng đã có vấn đề về tâm lý, muốn mọi chuyện theo đúng khuôn khổ do mình đặt ra.
Mọi sự “trật đường ray” đều khiến họ khó chịu, căng thẳng và tìm mọi cách đưa trở về “khuôn khổ”. Đa số những người kỹ quá mức là phụ nữ ở nhà làm nội trợ. Tâm lý của họ thường quan tâm nhiều đến tiểu tiết, phải gánh vác phần lớn việc gia đình, cho rằng người khác sao nhãng, thiếu trách nhiệm và trong vô thức mong muốn người khác quan tâm, phải công nhận sự đóng góp của mình.
Họ rất cần sự chia sẻ, tôn trọng, cảm ơn và hỗ trợ từ những người thân để giải tỏa tâm lý. Có thể bắt đầu từ việc chia đều trách nhiệm cho tất cả mọi thành viên, đánh giá đúng công sức của người nội trợ và hướng họ đến những sinh hoạt cộng đồng, các sở thích cá nhân để qua đó, giúp họ tìm lại những giá trị của bản thân.