Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội đề xuất 6 giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kintedothi-Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đảng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn khi trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII sáng nay (13/10 nhấn mạnh, việc TP xác định 1 trong 3 khâu đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao và trọng tâm là các giải pháp về giáo dục, khoa học công nghệ là lựa chọn tất yếu...

Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII sáng nay (13/10), Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về khoa học, văn hóa, giáo dục, kinh tế... Cùng với chức năng là một TP lớn, Hà Nội còn là Thủ đô đại diện cho bộ mặt của đất nước, nơi kết tinh trí tuệ, ý chí, tình cảm, văn hóa, lịch sử biểu thị cho tinh thần và sức sống quốc gia. Vậy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Hà Nội là gì, sản phẩm đặc trưng chủ lực của Hà Nội là gì, có gì khác biệt và cả nước kỳ vọng gì ở tầm vóc Thủ đô? Đó là những yêu cầu mới đặt ra cho Đảng bộ TP.

Bên cạnh mạch mguồn giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, Hà Nội còn là nơi hội tụ của tri thức với trên 60% trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn, trong đó có những trường nằm trong top đầu của thế giới và khu vực. Chỉ riêng khối trường ĐH, CĐ Hà Nội đã có 71 trường với tổng số trên 10 triệu sinh viên chiếm 30% tổng số sinh viên cả nước, trên 20.000 giảng viên chiếm 27% giảng viên cả nước, trong đó người có trình độ tiến sỹ chiếm khoảng 30% tổng số giảng viên có trình độ tiến sỹ trên cả nước; cùng 1.700 giáo sư, phó giáo sư… Có thể thấy hàng vạn giảng viên, các nhà khoa học và con em họ cùng lực lượng sinh viên đông đảo đang sinh sống, học tập, công tác, làm việc, đang hòa mình vào nhịp sống của TP đã tạo lan tỏa tri thức góp phần hình thành nền tảng dân trí bền vững. Cùng với giá trị truyền thống văn hóa ngàn năm văn hiến và kho tàng trí thức hiện có, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ (KHCN), xứng đáng với tầm vóc Thủ đô trước yêu cầu mới.

 Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn tham luận

Dù vậy, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, việc phát huy tiềm lực chất xám của đội ngũ tri thức các nhà khoa học cho phát triển Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng lớn đang có. Chúng ta đã đề cập và bàn rất nhiều nhưng chưa làm được là bao, song có thể thời gian tới sẽ khác. Đội ngũ tri thức và các nhà khoa học rất vui mừng khi Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã chỉ ra 3 đột phá: Phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước; khắc phục yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; khai thác phát huy tối đa tiềm năng chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trên địa bàn TP. Báo cáo phần các giải pháp chủ yếu cũng nhấn mạnh xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN của khu vực và Đông Nam Á trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, Báo cáo xác định rõ thúc đẩy hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH, học viện, xây dựng mạng lưới Sáng kiến Hà Nội, tạo cơ hội để kết nối chặt chẽ giữa các nhà khoa học và đội ngũ trí thức, doanh nhân trong nước và nước ngoài, phục vụ giải quyết những vấn đề đặc thù của Thủ đô trong quá trình phát triển.

Đó chính là nguồn nhân lực bậc cao và KHCN đưa Hà Nội tiến nhanh, tiến kịp, trở thành TP ngang tầm khu vực và quốc tế, được thể hiện ở các vấn đề: Các trường ĐH, CĐ chính là những trung tâm thu hút tài năng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn dẫn dắt sự phát triển kinh tế của TP. Việc các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thủ đô có hoạt động hiệu quả và giữ được vị thế cạnh tranh hay không, các tập đoàn doanh nghiệp kinh tế lớn trên thế giới có ưu tiên đầu tư vào khu vực Thủ đô hay không, có chuyển dịch và nâng cao sản xuất hay nghiên cứu phát triển với Thủ đô hay không, phụ thuộc quyết định vào số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao do các trường ĐH cung cấp. Hơn nữa, đối với các trường ĐH khu vực Hà Nội, việc có trụ sở khuôn viên tại Thủ đô là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút giảng viên giỏi, sinh viên tài năng. Ở một TP văn minh, hiện đại, năng động cũng là những nhân tố quan trọng giúp các trường ĐH tiếp cận cái mới để phát triển. Sự phát triển các trường ĐH, CĐ sẽ luôn gắn với phát triển của địa phương nơi trường đóng trụ sở - là xu hướng của các trường ĐH khu vực và thế giới.

 Quang cảnh Đại hội sáng 13/10

“Đặc biệt, việc xác định các trường ĐH trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ giúp Hà Nội đi tắt đón đầu, tiết kiệm thời gian nhất là giảm chi phí, không phải đầu tư vào xây dựng các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo mà chúng ta vẫn có những chuyên gia hàng đầu tham gia vào những lĩnh vực phát triển của TP” - ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định.

Từ những phân tích đó, Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội nhấn mạnh, việc xác định 1 trong 3 khâu đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao và trọng tâm là các giải pháp về giáo dục, KHCN là lựa chọn tất yếu. Để thực hiện thành công khâu đột phá thành hiện thực, Đảng ủy Khối đề xuất trước tiên, TP cần thể hiện quyết tâm chính trị cao bằng việc ban hành nghị quyết đưa vào trở thành một chương trình công tác lớn phát huy tiềm năng đội ngũ tri thức trong các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, cần hoàn thiện thể chế, quy chế, cơ chế lãnh đạo chỉ đạo và cơ chế kiểm tra đôn đốc, giao ban đánh giá; đặc biệt gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân, các cơ quan liên quan khi thực hiện chương trình.

Thứ ba, cần thay đổi tư duy rằng các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP được nhìn nhận như trường của TP nên được hưởng những cơ chế thuận lợi trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng và những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế phí, nhất là trong bối cảnh các trường đang thực hiện cơ chế tự chủ; để mỗi trường ĐH trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, là trụ cột hình thành và lan tỏa văn hóa.

Thứ tư, TP cần xây dựng Quỹ phát triển KHCN dành riêng cho phát triển hợp tác nghiên cứu giữa các trường ĐH, CĐ, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP; tập trung xây dựng triển khai một số chương trình nghiên cứu lớn, liên ngành liên quan những vấn đề bức thiết của TP giao cho các trường ĐH chủ trì. Cùng đó, thành lập các bộ phận “một cửa” cung cấp những dịch vụ hỗ trợ an sinh trọn gói cho các nhà khoa học, chuyên gia khi thực hiện các đề án của TP.

Thứ năm, lãnh đạo TP cần thường xuyên tổ chức các buổi thăm và làm việc với các trường ĐH, CĐ, học viện; định kỳ gặp, tiếp xúc lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện, tranh luận với các nhà giáo, nhà khoa học về những vấn đề phát triển KT-XH quan trọng của TP.

Thứ sáu, các trường ĐH, CĐ cần làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, giảng viên, sinh viên về vị trí, vai trò, tình cảm và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của Thủ đô, từ đó không ngừng học tập, sáng tạo, cống hiến.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần