Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Đinh La Thăng: "Không xác định được trách nhiệm, ăn bẩn vẫn rất vui"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bức xúc trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan nhưng không quy được tránh nhiệm cho ai trong hệ thống từ phường, xã đến tỉnh.

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra sáng nay (27/4), Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng vệ sinh ATTP vẫn diễn ra tràn lan là do không quy được rõ trách nhiệm.

Ngay trên địa bàn diễn phát hiện ra mất vệ sinh ATTP nhưng khi quy trách nhiệm thì không kỷ luật được ai, từ phường, xã cho đến tỉnh. Không xác định được trách nhiệm nên tất cả đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui, ông Thăng bức xúc.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng
Không chỉ vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM còn cho rằng, tình trạng bao che, thông đồng với các cơ sở, đối tượng vi phạm ATTP của bộ phận thanh tra, giám sát vẫn còn. Người dân kêu ầm lên vì các lò mổ ở xã phường suốt một thời gian dài nhưng sao vẫn còn tồn tại? ông Thăng đặt câu hòi.

Chính vì vậy, theo ông Thăng, cần có cơ chế để làm rõ trách nhiệm của từng người, từng tổ chức để xảy ra mất vệ sinh ATTP. Đối với phường, xã thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm, trên địa bàn có vi phạm quá lớn, diễn ra nhiều thì Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu.

Ở cấp Bộ, Ngành, ông Thăng cũng cho rằng đã tới lúc Chính phủ cần ban hành những giải pháp cụ thể, quyết liệt, trong đó việc xác định rõ trách nhiệm là ưu tiên hàng đầu. Không thể để tình trạng chất cấm chỉ cần nhập 10 cân nhưng vẫn cho nhập 10 tấn, đến khi phát hiện ra thì … “hòa cả làng”.

Nhằm tăng cường tính minh bạch trong việc giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đưa ra gợi ý giao cho lực lượng cựu chiến binh tại địa phương. Nếu đạo đức của người giám sát tốt, họ sẽ không để dân phải sử dụng thực phẩm bẩn, ông Thẳng khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề “trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trước năm 2010 công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có Luật ATTP thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế  biến, kể cả bao bì đóng gói.

Trong quá trình triển khai Luật ATTP có một số mặt hàng giao thoa thì các Bộ đã có thông tư liên tịch giao cho Bộ nào quản lý chính. Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn.

Tuy nhiên, khi triển khải thực tế vẫn còn tình trạng nể nang, đá trách nhiệm nên không thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai, ông Đam lý giải.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước tình hình thực tế và đòi hỏi của xã hội, trong thời gian tới, các Bộ, Ngành đã đề xuất ban hành một Chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh VGP)
Thủ tướng cũng đồng tình với việc cần làm rõ rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương và đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử.

Để đảm bảo ATTP cần đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Quy rõ trách nhiệm của người sản xuất cũng như người đứng đầu địa phương, đặc biệt là vai trò giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử mới có thể tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm vệ sinh ATTP.