Bí thư Hoàng Trung Hải: Làm gì cũng phải vì lợi ích chung

Hà Minh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/9, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 8 đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Ba Vì để chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XIV.

Tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả đất nước và Thủ đô đạt được thời gian qua. Đóng góp vào thành công đó là hoạt động của Quốc hội cũng ngày càng đổi mới, chất lượng được nâng cao, từ công tác xây dựng luật đến chất vấn, giám sát, tái giám sát.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trò chuyện cùng các cử tri huyện Ba Vì.
Về các vấn đề của địa phương, các ý kiến của cử tri huyện Ba Vì chủ yếu liên quan đến việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện do thời gian kéo dài, tiến độ chậm đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cử tri Dương Văn Truyền, Xã Yên Thịnh cho biết, xã Sơn Đà là xã trung du với 9500 khẩu, năm 2016 xã đã về đích nông thôn mới. Địa bàn xã có nhiều dự án đang thực hiện như đường Hồ Chí Minh, dự án tiếp nước sông Tích..., cử tri trăn trở các dự án trên địa bàn đã sử dụng gần 300 ha đất nông nghiệp, vì vậy về lâu dài đời sống người dân sẽ gặp khó khăn. Cử tri kiến nghị Thành phố có chính sách đầu tư các công trình phúc lợi cho người dân như bê tông hoá nông thôn, dự án nước sạch, đào tạo nghề để người dân có điều kiện phát triển bền vững.
 Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Ba Vì để chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XIV. 
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Tuấn Lễ, đại biểu Hội Cựu chiến binh chia sẻ, dự án cải tạo sông Tích đã 5 năm nhưng tiến độ rất chậm nên đang là cản trở lớn đến đời sống nhân dân khu vực dự án cả về giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng... Cử tri đề nghị Thành phố thanh tra giám sát toàn bộ dự án, ưu tiên để dự án sớm hoàn thành để phục vụ đời sống người dân.

Các cử tri cũng nêu ý kiến về dự án Nghĩa Trang Yên Kỳ mở rộng tiến độ chậm, tiến độ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng chậm; dự án bãi rác Xuân Sơn, xã Tản Lĩnh hiện có 9 quận, huyện vận chuyển rác về tại đây nhưng trên địa bàn rác đã ngập đường khiến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Về giao thông, cử tri đề nghị Thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện Ba Vì; bên cạnh đó quốc lộ 32 đoạn Sơn Tây-Trung Hà đi qua địa bàn hiện rất hẹp so với mật độ lưu thông, vì vậy đề nghị Thành phố có kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng đoạn Sơn Tây-Trung Hà.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, thay mặt các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 8, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp thu ý kiến đóng góp của các cử tri và cho biết sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết.

Giải đáp các kiến nghị cụ thể của cử tri liên quan đến việc đề nghị Thành phố có chính sách đầu tư phúc lợi như xây đựng đường, nước sạch, đào tạo nghề... Bí thư Thành uỷ chia sẻ, đây là định hướng chỉ đạo của Thành phố, tuy đã thực hiện nhưng chưa đáp ứng được đúng mong muốn của người dân, Bí thư Hà Nội đề nghị HĐND kỳ tới giám sát các dự án trọng điểm để xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND và các vướng mắc để có biện pháp giải quyết.

Về dự án sông Tích, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết đây là dự án trọng điểm của Thành phố, dự án có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết môi trường cho Thủ đô khi đưa nước sông Đà vào sông Tích, cải tạo sông Đáy, giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Dự án được triển khai từ năm 2012, chậm tiến độ do nguồn vốn của dự án khó khăn, lên đến 6.900 tỷ, nhưng lãnh đạo Thành phố rất quyết tâm thực hiện dự án, đã giao phân kỳ để tập trung vốn để sớm đưa giai đoạn 1 vào hoạt động. “Dự án sông Tích bắt buộc phải thực hiện bởi Hà Nội không cải tạo mấy dòng sông thì không thể phát triển bền vững”, Bí thư Thành ủy nói và cũng cho biết, nguồn vốn khó khăn nhưng năm 2017 Thành phố đã bố trí 260 tỷ, nhưng đến giờ mới giải ngân được 74 tỷ vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Theo Bí thư Thành ủy, cùng với nguồn vốn, Thành phố cũng cần người dân ủng hộ, đảm bảo hài hòa vì lợi ích chung, “chứ nếu ai cũng đòi được đền bù hơn thì rất khó”. Đó cũng chính là vấn đề của bãi rác Xuân Sơn, Thành phố luôn cầu thị, xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân trong cùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên tất cả đều phải thực hiện các quy định của pháp luật. Bí thư Thành uỷ cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tiếp thu ý kiến của người dân và tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành đề nghị triển khai nghiêm các kết luận Thành phố đã ban hành bởi nếu không giải quyết các vấn đề an sinh thì không thể phát triển bền vững và an toàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần