Tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
Quang cảnh hội nghị. |
Đời sống người dân được nâng cao
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, năm 2018, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm, Sở đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất và không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 251.697ha (bằng 92,82% so với năm 2017; số đầu con vật nuôi trên địa bàn tăng 2,13% so với năm trước và toàn TP có 5.044ha diện tích sản xuất rau an toàn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đáng lưu ý, đến nay TP đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa với sản lượng chiếm 40% tổng sản lượng thủy sản toàn TP. Nhiều mô hình đem lại lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, Hà Nội có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 20 mô hình so với năm 2017). TP cũng đang duy trì 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đã xây dựng 40 nhãn hiệu được bảo hộ.
Ngoài ra, kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều thành công. Đến nay, có 4 huyện và 325/386 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân ngày càng được nâng cao và đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 46,5 triệu đồng/người/năm…
Nhân rộng mô hình nông nghiệp chất lượng cao
Ghi nhận, biểu dương những kết quả của tập thể lãnh đạo, người lao động Sở NN&PTNT đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, năm 2018, ngành nông nghiệp Thủ đô có nhiều khởi sắc và điều đó đóng góp vào thành tích chung TP. Theo đó, tăng trưởng đạt mức cao, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp tốt, xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao…
Trong công tác xây dựng Đảng, sở đã được thực hiện nghiêm việc triển khai các nghị quyết T.Ư, Thành ủy, HĐND, nhất là công tác đánh giá cán bộ hàng tháng. Điều này thể hiện đây là một tập thể gắn bó, đoàn kết, hợp tác tốt với các sở, ngành TP để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đối với những hạn chế được nêu, Bí thư Thành ủy đề nghị, sở quan tâm đến một số huyện, xã hiện có thu nhập bình quân vẫn còn thấp so với mức chung đã đạt được để thu hẹp khoảng cách và mục tiêu cuối cùng cải thiện đời sống của người dân. “Làm gì thì cũng phải quan tâm xem đời sống, thu nhập của người nông dân có được cải thiện hay không và khi đạt được cần phải có biện pháp để duy trì ổn định” - Bí thư Thành ủy lưu ý.
Nhận định năng xuất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hiện còn thấp so với tiềm năng, Bí thư Thành ủy yêu cầu thay đổi tư duy để đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu đến năm 2020 phải xây dựng được ngành nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Đặc biệt, phân tích kỹ hơn bối cảnh hiện tại để có những đánh giá và đề ra giải pháp mới, đột phá nhằm phát triển nền nông nghiệp Thủ tô tốt hơn trong thời gian tới.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, mặc dù thời gian qua TP đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao nhưng quy mô còn nhỏ. Nguyên nhân do vai trò của nhà khoa học và người nông dân chưa kết nối, hạn chế trong tư duy sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Bí thư Thành ủy cho rằng, không nên hạn chế chỉ phát triển theo kiểu một mô hình chung mà tư duy về xây dựng mô hình cần năng động, linh hoạt, không áp dụng máy móc. Đối với những mô hình hay cần có hướng nhân rộng để phát huy tiềm năng và nâng cao chất lượng.
Đối với vấn đề vệ sinh môi trường, Bí thư Thành ủy yêu cầu, có trách nhiệm hơn với người dân nói chung và nông dân nói riêng. Bởi, hiện nay vẫn còn người dân dùng nước ô nhiễm trong khi TP và các sở, ngành đã có những giải pháp nhằm khắc phục. Còn về NTM, cần nỗ lực và đề xuất những cơ chế rút ngắn khoảng cách đối với những địa phương khó khăn để người dân được hưởng chính sách chung của TP.