Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm giả.Ảnh: Hoài Nam
Nhiều thủ đoạn vi phạm
Số liệu của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Điều đó cho thấy, quyền lợi NTD đang bị xâm hại nghiêm trọng.Thực tế cho thấy, quyền lợi NTD liên tục bị xâm hại bằng nhiều hình thức khác nhau như: Lừa dối khách hàng bằng cân đong đo đếm. Đơn cử như mặt hàng sắt thép xây dựng sản xuất đường kính 8mm còn 7,2mm; Bán hàng không có nguồn gốc, chưa được phép lưu thông; Hàng giả mạo nhãn hiệu kiểu dáng, chất lượng; Hàng không được bảo hành đúng nội dung đã cam kết; Khuyến mãi không đúng sự thật; Lừa dối khách hàng về thời hạn sử dụng bằng cách sửa "date" đã hết hạn với các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát có hạn dùng ngắn; Bán hàng có sử dụng phụ gia không được phép sử dụng và vượt quá giới hạn cho phép; Thực hiện dịch vụ sai với hợp đồng, hoặc hợp đồng không minh bạch cố ý cài bẫy NTD…
Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, bên cạnh vấn đề về lực lượng tham gia đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế thì việc thiếu chế tài, quy định pháp lý đủ mạnh xử lý nghiêm đối tượng vi phạm cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của công tác này. Ông Đoàn Phương, Chủ tịch Vinastas cũng thừa nhận: Việc thiếu chế tài pháp lý nên mặc dù Hội có chức năng bảo vệ quyền lợi NTD nhưng cũng chưa phát huy hết hiệu quả, chủ yếu dừng ở việc hòa giải các bên liên quan.
Nâng mức xử phạt
Để đảm bảo quyền lợi NTD, tại hội nghị "Quyền của NTD - trách nhiệm xã hội của DN và chương trình DN tin cậy vì NTD" do Vinastas vừa tổ chức, nhiều đại biểu đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, từ đó ngăn chặn sản phẩm không đạt tiêu chuẩn tràn ra thị trường. Bên cạnh đó, các văn bản luật cần nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi NTD. Mức xử phạt này phải cao hơn lợi nhuận mà việc vi phạm mang lại. Như vậy mới hạn chế tình trạng cố tình vi phạm rồi nộp tiền phạt.Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Muốn ngăn chặn được tình trạng vi phạm quyền lợi NTD thì việc hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này phải xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương mà sở công thương các tỉnh, TP là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đồng tình với ý kiến này, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Vinastas cho rằng: Nên xã hội hóa việc bảo vệ quyền lợi NTD bằng cách kêu gọi sự tham gia của nhà sản xuất, kinh doanh, NTD; Tăng cường phát triển sản xuất những mặt hàng thiết yếu mà Việt Nam có thế mạnh, nhất là những mặt hàng phù hợp với sức mua của người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, thực tế chống hàng giả, hàng kém chất lượng và các vi phạm đến quyền lợi NTD cho thấy, để các lực lượng chức năng thực sự vào cuộc, UBND các tỉnh, TP cần nêu đích danh những đơn vị chưa làm tốt việc chống hàng giả, gian lận thương mại. Có quy định trách nhiệm cụ thể tới từng lực lượng chức năng trên địa bàn được phân công quản lý, từ đó hạn chế tình trạng không ai phải chịu trách nhiệm như hiện nay. Không chỉ có vậy, các cơ quan chức năng nên công khai danh sách những DN vi phạm quyền lợi NTD, từ đó giúp NTD nhận biết rõ những tổ chức xâm phạm quyền lợi của mình, góp phần nâng cao ý thức của các DN trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu.
Về phía mình, NTD cũng phải tự trang bị kiến thức về những quyền lợi mà mình được hưởng, tránh tình trạng lợi dụng quyền NTD để đòi tiền DN, hạ uy tín DN đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.