KTĐT - Các thành phố đều có những khác biệt song một trong những khác biệt nhất của Hà Nội so với nhiều thành phố khác là số biệt thự có từ trước năm 1954 để lại.
Cách đây khoảng chục năm, Hội Kiến trúc Nhật Bản có khảo sát về biệt thự Hà Nội đã thật sự ngạc nhiên khi thành phố này có tới gần 1.000 biệt thự được thiết kế theo phong cách kiến trúc thuần châu Âu hoặc pha trộn với kiến trúc Việt Nam. Những biệt thự này không chỉ có giá trị về văn hóa mà nó còn ý nghĩa về môi trường bởi hầu hết đều có cây xanh, hoa và không gian. Họ cho rằng đây cũng là một trong những nét độc đáo của Hà Nội khi mà một thành phố có những phố cổ đặc trưng truyền thống lại có những biệt thự kiểu châu Âu như một nét lạ tạo nên sự đa dạng, phong phú trong kiến trúc một thành phố. Theo đánh giá của các kiến trúc sư Nhật Bản, không có thủ đô của nước nào ở châu Á lại sở hữu số lượng biệt thự có giá trị nhiều đến như vậy.
Có thể nói số biệt thự Hà Nội là vốn quý như là một phần lịch sử Hà Nội qua kiến trúc. Thế nhưng buồn thay, vốn quý đó đã bị chúng ta bỏ quên, không coi trọng và không ít biệt thự ở Hà Nội bị “mất”, bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân có nhiều song ngay sau khi giải phóng Thủ đô 1954, nhiều biệt thự chưa được đánh giá đúng ý nghĩa về mặt kiến trúc cần được giữ gìn, bảo vệ vì thế nhiều biệt thự thành chung cư của những hộ gia đình, và theo thời gian, kiến trúc biệt thự bị mất thay bằng sự cơi nới. Những khoảng trống trong biệt thự đều được tận dụng, lúc đầu xây cái bếp, đến khi "tấc đất thành tấc vàng" thì bếp thành nhà ở, nhà cao tầng.
Chuyện "ngày xưa" chắc không nên nói nhiều vì hạn chế lịch sử và ngày đó đất nước đang bận rộn với công cuộc chống Mỹ cứu nước. Nhưng mươi năm trở lại đây rõ là "ngày nay" với nhận thức khá đầy đủ về những vốn quý Hà Nội trong đó có biệt thự từ thời Pháp thuộc vậy mà con số gần ngàn biệt thự năm 1999 được các bạn Nhật thống kê đến năm 2009 chỉ còn... 206! Con số này căn cứ vào Quyết định của UBND thành phố Hà Nội không bán biệt thự được ban hành gần đây. Khi có quyết định "không bán" có nghĩa là trước đó "đã bán". Chao ôi, vốn quý có lúc được coi như hàng hóa bình thường nhưng giữ được 206 biệt thự trong hàng ngàn biệt thự ở Hà Nội thôi thì cũng có chút nào an ủi rằng muộn còn hơn không. Thật ra thì vấn đề này không phải gần đây mới nhận ra mà từ năm 1997, ngành du lịch Hà Nội thống kê có 970 biệt thự có giá trị đã đề xuất dự án đầy tính nhân văn: Di chuyển các hộ gia đình đang sống tại những "khu tập thể biệt thự" để cải tạo lại và cho thuê. Dự án này hướng tới hai cái đích: Hà Nội có thêm khoản thu cho ngân sách và bảo tồn được nguyên trạng các biệt thự. Nhưng không hiểu vì lý do gì dự án không thực hiện được. Cho đến thời điểm này, không ít chủ sở hữu tư nhân, doanh nghiệp không biết vì không hiểu vốn quý của thành phố hay vì lợi nhuận đã phá đi biệt thự để xây cao tầng cho thuê.
Việc mất một lượng lớn biệt thự cổ - vốn quý của Hà Nội - còn là sự thất thoát lớn về văn hóa. Và phải chăng khi nhìn vào chuyện đối xử với biệt thự Hà Nội để nhận ra điều khác lớn hơn: Hãy cảnh giác với sự mất đi văn hóa, những tài sản quý không tiền nào mua được trong quá trình phát triển và trong cơn lốc kinh tế thị trường với lợi nhuận trước mắt.