Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Big C dừng bán hàng dệt may Việt Nam: Có hay không việc nhường chỗ cho hàng ngoại?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự phản ứng của DN dệt may và phản ánh của báo giới việc hệ thống siêu thị Big C đã ra thông báo tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, tối ngày 3/7, Big C Việt Nam đã phát ra thông báo chính thức, khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.Tuy nhiên, các số liệu mập mờ khiến dư luận tiếp tục băn khoăn có hay không việc nhường chỗ cho hàng ngoại?

Theo thông báo này, Big C Việt Nam đang trong quá trình phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành may mặc. Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam."Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng. Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình. Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng” - đại diện Big C cho hay. “Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam" - đại diện Big C Việt Nam khẳng định.

Big C bán hàng dệt may Việt Nam tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất

Tuy nhiên trong thông cáo báo chí phát ra, Big C không nêu rõ trong 4000 DN cung ứng hàng hóa cho họ có bao nhiêu DN dệt may và con số "hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc" chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong số DN đưa hàng vào Big C. Trong khi đó các DN cung cấp hàng may mặc Việt Nam cho Big C khẳng định, hiện số lượng DN dệt may cung ứng hàng cho siêu thị Big C mới chỉ có vẻn vẹn 200 DN/4000 DN đưa hàng vào Big C, còn lại là các ngành hàng khác. Nếu như thông tin mà nhà cung cấp Việt đưa ra là đúng, đồng nghĩa Big C đang tạm ngưng hợp tác với ngành dệt may trong nước.
Bình luận về sự kiện này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu rõ: Khi mở hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, Big C đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã “trải chiếu hoa” mời Big C vào làm ăn kinh doanh. Mới đây, tại hội nghị 10 năm, đại diện Big C khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này. Họ nói thế nhưng không làm thế, theo phản ánh của doanh nghiệp, để đưa được hàng vào Big C, doanh nghiệp phải chiết khấu “cứng”, chiết khấu “mềm” rất cao chiếm đến 25-30% giá trị. Trong những năm qua, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã phải rời khỏi Big C. Chẳng hạn, Thế giới di động đã phải ra khỏi Big C, các doanh nghiệp sản xuất nhãn hàng riêng cho Big C cũng ngừng sản xuất năm 2017… Những vụ việc này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam, vô hình chung họ đã đuổi hàng Việt ra khỏi hệ thống của mình. Xét về đạo đức kinh doanh, họ kinh doanh trên đất Việt Nam mà làm như vậy là không thể chấp nhận được.
“Ngoài ra văn bản của Big C cũng chưa nói rõ việc xem xét, lựa chọn 200 DN cùng công ty Việt Nam hay công ty nước ngoài, chỉ nói chung chung là các nhà cung cấp sản phẩm may mặc tại Việt Nam, vậy nêu trong 200 DN họ lựa chọn có quá nửa là DN Thái Lan hoặc các nước khác thì DN dệt may Việt Nam phải chịu “lép” ngay chính trên sân nhà. Tất cả thị phần, doanh số, hàng trăm tỉ đôla, doanh nghiệp nước ngoài sẽ "vớt" hết”- ông Vũ Vinh Phú nói.
Hàng dệt may Việt Nam tại siêu thị Big C

Phân tích của chuyên gia kinh tế và phản ánh thực tế từ chính các DN cung ứng hàng hóa cho Big C làm dấy lên lo ngại rằng có hay không hàng hoá do các DN Việt Nam sản xuất, cung cấp bị “đẩy” khỏi hệ thống siêu thị do nước ngoài sở hữu, nhường chỗ cho hàng nhập ngoại? Bởi nhiều DN phản ánh mặc dù Big C  luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt nhưng thực tế sau khi đại gia Thái Lan mua lại Big C thì hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng, giảm mua hàng Việt. Hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ.

Được biết, Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) đang gặp khó khăn tài chính vào năm 2016 với giá 1,05 tỉ USD. Việc mua lại Big C nằm trong chiến lược của Central Group nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực Asean.