Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình ổn thị trường phân bón: Đưa hàng trực tiếp tới nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Để hạn chế gia tăng chi phí cho ngành nông nghiệp, giảm mức tăng giá của các mặt hàng nông sản, việc bình ổn thị trường phân bón là hết sức cần thiết",

KTĐT - "Để hạn chế gia tăng chi phí cho ngành nông nghiệp, giảm mức tăng giá của các mặt hàng nông sản, việc bình ổn thị trường phân bón là hết sức cần thiết", đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại hội thảo về "Bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối" do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn vừa tổ chức,


Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tổng nhu cầu phân bón các loại của cả nước vào khoảng 9,1 triệu tấn, nhưng sản xuất trong nước đáp ứng được trên 6 triệu tấn. Riêng đối với phân urê, hiện nay chỉ mới có 2 nhà máy là Hà Bắc và Phú Mỹ cung ứng được 54% nhu cầu và vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này đã khiến giá phân bón phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới. Trong khi từ năm 2010 đến nay, giá phân bón thế giới đã liên tục tăng. Giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất tăng mạnh cũng đã đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước đã tăng từ 10 - 15%. Bên cạnh đó, do việc quản lý, điều hành còn yếu kém nên mạng lưới cung ứng phân bón còn chồng chéo. Thậm chí đã có hiện tượng liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và thu nhập của nông dân.


Để bình ổn thị trường phân bón, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu các doanh nghiệp đẩy nhanh việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án đạm Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình… nhằmchủ động kiểm soát biến động của giá bán lẻ phân bón trên thị trường, tới đây, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc để có nguồn cung ứng kịp thời khi thị trường có hiện tượng tăng giá đột biến, nguồn cung thiếu hụt; Có cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp tham gia bình ổn như ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận ngoại tệ... Trước mắt, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các đợt bán hàng trực tiếp tới nông dân với giá hợp lý.


Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính:Để tránh "sốt giá" bất hợp lý, các cơ quan quản lý, tùy vào từng thời điểm, có thể điều tiết cung cầu phân bón thông qua chính sách thuế như tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu hoặc tạm thời ngưng xuất khẩu một số chủng loại phân bón quan trọng trong một thời gian nhất định.


Nhằm góp phần bình ổn thị trường trong thời gian tới, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cam kết sẽ tăng cường kiểm soát giá bán, phân phối hàng đến các vùng tiêu thụ, kiểm soát luồng hàng, chất lượng hàng hóa, giữ ổn định giá trần tiêu thụ sản phẩm Đạm Phú Mỹ. Thông qua hệ thống phân phối, đơn vị tăng cường đưa hàng tới các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc, bán hàng đến gần với người sử dụng.


Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư công nghệ tạo ra sản phẩm có tính năng sử dụng tối ưu, tiết kiệm chi phí cho người nông dân trong sản xuất… Hệ thống phân phối cũng cần tăng cường năng lực để bảo đảm sản xuất và lưu thông thông suốt, nhất là mạng lưới phân phối trực tiếp cho nông dân, hạn chế khâu trung gian, từ đó tiết giảm được giá bán cho người nông dân.