Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ các quy định siết chặt nhập cư vào Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - So với dự án lần ba, dự án mới nhất đã cắt bỏ các quy định về yêu cầu nhập cư áp dụng riêng cho thủ đô: Tạm trú liên tục tại thủ đô từ 5 năm trở lên, có mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu…

KTĐT - So với dự án lần ba, dự án mới nhất đã cắt bỏ các quy định về yêu cầu nhập cư áp dụng riêng cho thủ đô: Tạm trú liên tục tại thủ đô từ 5 năm trở lên, có mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu…

Dự án mới nhất về Luật Thủ đô vừa được Bộ Tư pháp công bố rộng rãi lấy ý kiến nhân dân tại địa chỉ http://ykien.moj.gov.vn.

So với dự án lần ba, dự án này rút gọn bớt 25 điều (từ 59 điều còn 34 điều) với quan điểm “kế thừa và nâng các quy định của Pháp lệnh Thủ đô lên thành luật, chỉ bổ sung những quy định đặc thù thực sự cần thiết”.

Mức xử phạt vi phạm hành chính ở địa bàn thủ đô được phép cao hơn mức phạt hiện hành của cả nước.

So với dự án lần ba, dự án mới nhất đã cắt bỏ các quy định về yêu cầu nhập cư áp dụng riêng cho thủ đô: Tạm trú liên tục tại thủ đô từ năm năm trở lên, có mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu… Đồng thời dự luật bỏ quy định người lao động ngoại tỉnh muốn làm việc tại thủ đô phải có giấy phép lao động do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP cấp.

Trao quyền cho thủ đô

Dự luật được sửa đổi theo hướng: “Dân cư trên địa bàn được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung, phù hợp đặc điểm của thủ đô. Chính quyền thủ đô (hoặc Chính phủ) quy định về quản lý dân cư, các biện pháp kiểm soát nhập cư tự phát trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là khu vực nội đô”.

Về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, dự luật không quy định cụ thể (như có cơ quan cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng) mà giao cho chính quyền thành phố quyết định thành lập “phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về đô thị”. Tương tự, dự luật cũng trao cho thành phố quy định điều kiện tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức...

Để nâng cao năng lực đầu tư phát triển của thủ đô, dự luật cho phép Hà Nội được giữ lại tối thiểu 50% các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách vượt kế hoạch hằng năm theo quy định của pháp luật. Ngoài tỉ lệ thưởng chung đối với các khoản tăng thu so với dự toán trung ương giao, Hà Nội được sử dụng 100% số tăng thu còn lại để đầu tư cho phát triển (theo Luật Ngân sách nhà nước thì Chính phủ quyết định trích thưởng với tỉ lệ không quá 30% cho ngân sách địa phương).

Chế tài cao hơn

Theo dự luật, Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn so với quy định chung trong các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, xây dựng, giao thông, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để áp dụng trên địa bàn thủ đô.

Dự luật cho phép chính quyền thủ đô được quy định một số mức thu phí, lệ phí cao hơn so với mức thu theo quy định hiện hành; phụ thu đối với hoạt động cung cấp dịch vụ đô thị cao cấp và chất lượng cao; quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách của thành phố.

Dự luật cũng trao cho chính quyền thủ đô thẩm quyền điều chỉnh cục bộ một số nội dung trong quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm bảo đảm sự phát triển đồng bộ của thủ đô; ban hành, áp dụng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện thực tiễn của thủ đô; chỉ định thầu đối với các đồ án quy hoạch đòi hỏi tiến độ nhanh phục vụ các sự kiện xã hội hoặc chính trị đặc biệt và các công trình cũ, hỏng có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng…

Để đảm bảo tính khả thi của các cơ chế đặc thù, theo dự luật, trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô với các luật hiện hành có liên quan thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô. Trong trường hợp cần điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn chưa được pháp luật điều chỉnh, chính quyền thủ đô được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


 

Ban hành trước đại lễ

Luật Thủ đô vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và có thể được xem xét, thông qua tại một kỳ họp (tháng 5-2010), trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Quan trọng nhất là đội ngũ lãnh đạo

"Luật Thủ đô có thể là “chìa khóa” ban đầu để mở rộng “cánh cửa” phát triển cho thủ đô. Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là đội ngũ lãnh đạo và người đứng đầu. Với một thủ đô trái tim của cả nước, rộng lớn về diện tích càng phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm mới biến được những mục tiêu lớn, tốt đẹp ghi trong luật trở thành hiện thực."

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng