Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động ứng phó tác động Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương ứng phó với tác động do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra.

Sản xuất trong khi dịch viêm phổi cấp lan rộng.

Kế hoạch nhấn mạnh, cần giữ vững mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Để thực hiện được những mục tiêu kinh tế mà Chính phủ đã ban hành, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu thành lập ngay Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc do Cục Xuất nhập khẩu làm Thường trực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và một số đơn vị có liên quan cùng tham gia. Đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác này.
Chủ trì làm việc với Bộ NN&PTNT và các Hiệp hội liên quan để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng rau quả, trái cây và nông - thủy sản khác đang bị ách tắc trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, dự báo quy mô sản lượng các mặt hàng sắp tới sẽ thu hoạch, báo cáo cụ thể, đầy đủ với lãnh đạo Bộ để có kế hoạch, biện pháp tham gia xử lý hỗ trợ.
Theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh. Rà soát, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, báo cáo lãnh đạo Bộ để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Các vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ chỉ đạo các thương vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện là đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Rà soát các thị trường còn dư địa, đã mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, hoặc có tiềm năng điều kiện mở cửa thị trường để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam.
Phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong Bộ, các địa phương, các Thương vụ hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường thay thế khác ngay tại nơi sản xuất để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Thanh Long không tiêu thụ được do dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc. 

Cùng với đó, phối hợp với Bộ NN&PTNT các Thương vụ liên quan đẩy nhanh, mạnh hơn công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi sang các thị trường mà ta đã đang tiến hành đàm phán, đồng thời triển khai thêm các đàm phán mới đối với các thị trường có tiềm năng và dư địa xuất khẩu.
Phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ để cập nhật thông tin về các phản ứng của các nước liên quan đến việc đối phó với dịch bệnh, đánh giá về ảnh hưởng đối với kinh tế của các nước này, trong đó có lĩnh vực thương mại và đầu tư (như ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, di chuyển các cơ sở đầu tư từ nước có dịch bệnh...) và có báo cáo lãnh đạo Bộ đánh giá, phân tích về tác động (có thể có) đối với Việt Nam.
Theo dõi chặt chẽ, cập nhật các thông tin trên thế giới và trong nước về tình hình, diễn biến dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế giữa Việt Nam và các nước; đề xuất giải pháp ứng phó đối với các diễn biến bất thường của dịch. Chỉ đạo các Thương vụ tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các hoạt động tích cực của Chính phủ Việt Nam đối phó với dịch bệnh, về mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.