Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương kiến nghị giải cứu ngành ô tô. Ảnh minh họa |
Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.
Một trong những nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp, đồng thời các đại lý bán hàng phải tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo cách ly xã hội từ ngày 1/4 do dịch Covid-19.
Đến nay, sau khi việc cách ly xã hội kết thúc, phần lớn các đại lý ô tô đã được gỡ lệnh cách ly, các doanh nghiệp ô tô đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, công suất sản xuất thấp, lắp ráp hiện duy trì ở mức rất thấp do lượng tồn kho vẫn còn cao.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ô tô phải đối mặt, phía Bộ Công Thương kiến nghị khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định ở một loạt luật có liên quan, đồng thời cần sớm thông qua nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghệ hỗ trợ.
Cụ thể, khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định của luật về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước (theo hướng ưu đãi cho tỷ lệ sản xuất nội địa), thuế GTGT (theo hướng hoàn thuế sớm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích luỹ thêm vốn) và thuế thu nhập doanh nghiệp (bổ sung mức ưu đãi cao nhất cho các ngành sản xuất cơ khí trọng điểm).
Trước đó vào đầu tháng 4, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Thủ tướng giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến hết quý I/2021.