Dù chỉ mới vào Việt Nam trong một thời gian ngắn, nhưng loại hình vận tải hành khách thông qua phần mềm dịch vụ gọi xe của Uber đã hấp dẫn khách hàng bởi giá thành dịch vụ và tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Uber lại không tuân thủ những điều kiện kinh doanh vận tải ở Việt Nam. Và để hợp thức hóa dịch vụ, mới đây Uber đã trình lên cơ quan chức năng đề án thí điểm kinh doanh theo hợp đồng điện tử. Mặc dù vậy, đề án này sớm bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bác bỏ bởi vẫn không hội đủ các điều kiện và yêu cầu cần thiết.
Theo lý giải của Bộ GTVT, đề án mà Uber gửi cho Bộ là đề xuất tham gia thí điểm sử dụng công nghệ để thay cho hợp đồng vận tải. Nếu như trước đây, theo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải hợp đồng này bằng giấy, thì bây giờ Uber đề xuất làm hợp đồng vận tải bằng điện tử.
Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ GTVT nhấn mạnh, đề án của Uber đã được Bộ GTVT xem xét cũng như xin ý kiến các bộ ngành liên quan và thấy rằng chưa đủ điều kiện để thông qua chứ không phải là không đồng ý cho Uber hoạt động như dư luận đang hiểu.
“Bộ GTVT có văn bản trao đổi và hướng dẫn cho Uber hoàn thiện đề án đấy, chứ điều đó không liên quan đến việc Uber đang hoạt động ở Việt Nam có bị cấm hay không. Bộ GTVT hết sức ủng hộ các phần mềm tương tự như Uber ở Việt Nam bởi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, tiết giảm thời gian đi lại, tăng năng suất lao động, nó tiết giảm chi phí và góp phần giảm ách tắc giao thông…”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết.
Mặc dù quan điểm của Bộ GTVT như vậy nhưng đối với những người lái xe tham gia Uber trong những ngày qua không khỏi băn khoăn. Bởi, nếu không đủ điều kiện hoạt động đồng nghĩa với việc có nhiều lái xe taxi Uber hiện nay sẽ bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi mong muốn là sẽ có hành lang pháp lý cho taxi Uber hoạt động. Quan trọng hơn là làm cho tài xế yên tâm về tính pháp lý của dịch vụ trong kinh doanh, để hoạt động taxi được hợp pháp, ổn định và an toàn”, anh Phạm Hữu Duyệt - Lái xe taxi Uber mong muốn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây, Công ty mẹ là Uber BV (công ty mẹ ở Hà Lan) đã có động thái ủy quyền cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam (Uber Việt Nam) thực hiện đề án thí điểm kinh doanh theo hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, Uber Việt Nam chỉ đăng ký kinh doanh trong phạm vi tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận chứ không liên quan đến hoạt động ủy quyền. Uber Việt Nam hiện cũng chưa đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, đồng thời không phải là đơn vị trực tiếp xây dựng đề án…Vì vậy, theo các doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải hành khách, hoạt động của Uber ở Việt Nam thời gian qua là không bình đẳng và không có sự liên kết như cam kết ban đầu.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, điều kiện kinh doanh của các loại taxi nói chung là phải có sự quản lý của nhà nước về cả con người và phương tiện.
“Hiện Uber hay Grab chưa làm được việc này hoặc họ đang làm nhưng chưa thành công. Họ có hứa là liên kết với các tổ chức taxi khác nhưng có một điểm chắc chắn là những cái liên kết này đã bị phá vỡ. Cần phải đưa họ vào khung pháp lý hoạt động để cạnh tranh bình đẳng với hoạt động taxi truyền thống. Bên cạnh đó là quản lý được hoạt động, tránh thất thu thuế của Nhà nước”, ông Liên phân tích.
Còn Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng – Công ty Luật Hợp danh V.I.P cho rằng: các cơ quan chức năng phải thượng tôn pháp luật, có nghĩa là cùng một loại hình kinh doanh vận tải pháp luật quy định như thế nào thì các doanh nghiệp tham gia sân chơi đó phải tuân thủ như nhau thì mới minh bạch và sòng phẳng, bên cạnh đó phải có sự thanh tra và kiểm tra sự tuân thủ pháp luật đó.
Đây là lần thứ hai Bộ GTVT bác đề án của Uber Việt Nam dưới hình thức thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử. Theo phân tích của Bộ GTVT, Uber chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam, có nghĩa là hiện nay các xe Uber ở Việt Nam đang hoạt động trái phép, gây thất thu ngân sách. Như vậy, việc bắt buộc Uber phải hoạt động đúng theo các quy định của hoạt động động kinh doanh vận tải trong nước là điều cần thiết.