Kinhtedothi - Vai trò của cơ quan quản lý trong điều hành giá điện, xăng dầu cùng các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ nông dân tiêu thụ mặt hàng nông sản… là những vấn đề “nóng” được quan tâm nhất tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/4.
* Tăng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Minh bạch giá điện, xăng dầu
Trước tình trạng giá sữa tăng cao, cơ quan chức năng phải thành lập 5 đoàn kiểm tra và thực tế cho thấy, công tác này rất phức tạp, không thể kết thúc sớm. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của DN đã cung cấp các thông tin số liệu rất đầy đủ. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn khẳng định, việc quản lý giá sữa thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Phương Nam Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương |
Trước câu hỏi giá điện tới đây có được điều chỉnh tăng hay không? Ông Đinh Thế Phúc - Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Quyết định 69 thay thế Quyết định 24 trong đó quy định rõ giá điện có thể tăng trong năm, song đến nay chưa có phương án đề xuất tăng giá điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). "Tuy nhiên, theo quy định, bất kỳ khi nào có thay đổi về giá trong các yếu tố đầu vào cơ cấu giá thành sản xuất điện, xét thêm yếu tố về chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chịu đựng của người tiêu dùng…, giá điện hoàn toàn có cơ sở để tăng" - ông Phúc chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện giá xăng dầu do Nhà nước hay doanh nghiệp (DN) quyết định, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền khẳng định: Hiện, giá xăng dầu trong nước đang được điều hành theo Nghị định 84/CP, đây có thể được coi như "bước chuyển" điều hành giá xăng dầu từ cơ chế bù lỗ sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chủ trương của Nhà nước là trao quyền định giá xăng dầu cho DN, nhưng không có nghĩa DN cứ muốn tăng hay giảm giá lúc nào cũng được. Vì mặt hàng xăng dầu rất nhạy cảm, liên quan thiết thực đến đời sống xã hội, nên phải có định chế quản lý riêng. Dù quản lý theo cơ chế thị trường nhưng vẫn phải có sự kiểm soát của Nhà nước và giám sát của xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch.
Tăng hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Về tình trạng nhiều mặt hàng nông sản, nhất là dưa hấu những ngày gần đây bị "tắc" ở cửa khẩu Tân Thanh, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, ngay khi sự việc xảy ra, Bộ đã phối hợp với chính quyền tỉnh Lạng Sơn xử lý. Theo lý giải của cơ quan này, dưa hấu là mặt hàng mới được đưa vào diện xuất khẩu, do bà con nhận thấy dễ trồng, thu hoạch, giá tốt, khí hậu cũng thuận lợi, nên ồ ạt tăng diện ích canh tác, không có sự điều tiết, nên sản lượng tăng đột biến. Trong khi đặc thù của mặt hàng này cũng như nhiều nông sản khác là thời vụ thu hoạch ngắn, mà từ khâu thu hoạch đến bảo quản đều chưa đảm bảo được chất lượng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan còn là người nông dân vẫn quen kiểu làm ăn cá thể, chưa chính quy, mới nghe thông tin từ cửa khẩu rằng mặt hàng đó được giá là lao vào trồng ngay, đưa hàng lên dồn dập, nên dễ bị ép giá. Ngoài ra, tình trạng này còn do chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc khuyến khích XK ở cửa khẩu Tân Thanh, trong khi Việt Nam còn nhiều cửa khẩu khác có thể đưa hàng sang nước này.
Bộ Công Thương đã thông báo tình trạng này với Đại sứ quán Trung Quốc để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho bà con, đồng thời cử người lên Lạng Sơn, phối hợp với lực lượng chức năng nhằm đẩy mạnh thông quan ở Tân Thanh.
Để tránh tình trạng tương tự diễn ra không chỉ đối với mặt hàng dưa dấu, về trung dài hạn, cần đầu tư về kho bãi tại cửa khẩu để làm nơi trung chuyển nhằm bảo quản tốt hơn cho hàng nông sản, lâu dài có thể lập trung tâm phân phối có kho lạnh. Ngoài ra, "Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường đàm phán với phía Trung Quốc có chính sách thương mại biên giới đảm bảo hỗ trợ tốt hơn cho bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm" - ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Người dân nộp tiền điện tại xã Đại Đồng, Thạch Thất. Ảnh: Đức Giang
|
Về vấn đề quản lý giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Bộ không bao giờ "bênh" DN nào, mà trước hết vì quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, lãnh đạo Bộ Công Thương hay bất cứ cơ quan quản lý nào cũng đều là người tiêu dùng. Tăng giá điện hay bất kỳ giá mặt hàng nào đều phải có lộ trình, nhưng trước mắt, ngay trong tháng 4/2014, Bộ sẽ ban hành chỉ thị về công khai - minh bạch hóa giá điện, xăng dầu để mọi người dân có thể kiểm tra, giám sát.
Khai thác và chế biến bô - xít là lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Bộ Công Thương được giao rà soát để xây dựng cơ chế chính sách, trong đó đã đề xuất về chính sách thuế cho 2 dự án bô - xít trong nước. Cần nhìn nhận rằng, việc xem xét rà soát của cơ quan chức năng là để hợp lý hóa chính sách chứ không phải để xin thêm ưu đãi. Chúng tôi khẳng định tính khả thi của 2 dự án, hơn nữa, tính độc hại của bô - xít là không cao. 2 dự án sẽ sớm được cổ phần hóa, nhưng tiến độ thế nào còn tùy tình hình thực tế. Ông Bùi Quang Truyện Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương |