Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bố mẹ hãy dũng cảm

Hạ Đông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ nhỏ đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè năm 2019. Sau 9 tháng miệt mài bài vở, điểm số và học bạ đã tạm khép lại chờ năm học mới, song những ngày này, trong lòng người lớn vẫn cứ canh cánh câu chuyện về áp lực điểm số và căn bệnh thành tích vô tình đè lên vai con trẻ.

 Ảnh minh họa
Không canh cánh sao được khi mấy ngày nay trên mạng xã hội, người ta truyền tay nhau bức thư, cũng là một bài tập của cậu bé lớp 4 ở Hà Nội viết về áp lực điểm 10 mà cậu đang phải gồng gánh trên vai. Nét chữ còn non nớt, thậm chí còn sai lỗi chính tả, nhưng nỗi niềm chia sẻ thì khiến người lớn nào cũng phải giật mình: “Tại sao lúc nào bố mẹ cũng bắt con được điểm 10, 9. Mà bố mẹ không hiểu con có bao nhiêu áp lực vì lúc bị điểm kém như 8, 7 trở xuống bố mẹ lại đánh con. Lúc đấy con chỉ nghĩ đến cái chết cho rồi… Bố mẹ không cho con biết đam mê của con, mà chỉ biết sau này con phải thật tốt, kiếm ra nhiều tiền…”. Rồi lại thêm câu chuyện của một chuyên gia giáo dục kể về cậu bé học tại một trường trung học phổ thông ở TP Hồ Chí Minh mà bà chứng kiến sau giờ tan học. Cậu bé được điểm 9, đã khóc và quỳ xuống xin cô giáo: “Cô cho con điểm 10, con xin cô đấy, nếu không con sẽ bị ba đánh…”.
Càng ngẫm càng thấy xót xa. Căn bệnh thành tích ngấm ngầm xoáy vào nơi trường lớp đã khiến cả xã hội lo âu vì có những trò đã học hết lớp 3 mà vẫn chưa đọc thông viết thạo, đánh vần tròn chữ. Giờ lại thêm căn bệnh điểm số đè lên vai học sinh. Ở đó, điểm 7 – mức trung bình khá và điểm 8 – ngưỡng của học lực giỏi đã bị biến thành… điểm kém. Và trên vai con trẻ khi đến trường, ngoài chiếc ba lô trĩu nặng sách vở, còn là gánh nặng điểm số mà cha mẹ yêu cầu phải đạt được. Đúng như một giáo viên dạy Toán, trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) nhận định: Bệnh thành tích trong học đường và ngoài xã hội không giảm, có nguyên nhân từ chính nhiều phụ huynh luôn chăm chăm đòi hỏi kết quả, thứ hạng học tập của con.
Dẫu biết rằng căn bệnh này không diễn ra trong tất cả các bậc làm cha mẹ, nhưng đó là chuyện có thật trong môi trường giáo dục hiện nay. Lá thư của con trẻ kia là lời cảnh báo, cũng là lời thức tỉnh các bậc làm cha mẹ ham điểm số mà vô tình đặt gánh nặng lên vai con trẻ. Thuốc chữa cho căn bệnh kia cũng đã được con trẻ gợi ý phần nào: “Con cảm ơn bố mẹ đã sinh con ra đời nhưng con nghĩ bố mẹ phải thông cảm và hiểu con hơn… Bố mẹ phải chơi với con nhiều hơn và tham gia các hoạt động cùng con”.
Và đúng như lời tự đáy lòng mà chuyên gia giáo dục – cũng là một bậc phụ huynh có con ở tuổi đến trường chia sẻ: “Tôi muốn nhắn gửi tới các ông bố bà mẹ, thay vì suốt ngày cho con đi học thêm, hãy dạy con biết tự tìm tòi, biết hướng con đến những giá trị cốt lõi của học là để hiểu biết, chứ không phải vì điểm số. Hãy dũng cảm cho con không được là học sinh giỏi!”.