Bỏ qua dữ liệu kinh tế trái chiều, chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ sau một phiên giao dịch mở đầu tháng 10 và quý cuối cùng của năm 2020 đầy biến động.

Phố Wall tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 1/10 khi nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thông qua gói kích thích kinh tế mới để thay thế chương trình cũ đã hết hạn từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn lựa chọn cổ phiếu bất chấp số liệu kinh tế trái chiều.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones nhích 35,20 điểm (tương đương 0.1%) lên 27.816,90 điểm, sau khi vọt tới 250 điểm ở đầu phiên. Chỉ số S&P 500 cộng 0,5% lên 3.380,80 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 11.326,51 điểm.
 Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên 1/10.
Kỳ vọng về gói cứu trợ mới vẫn là động lực chính cho thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tiên của quý IV, ngay cả khi những tin tức không mấy tích cực về những cuộc thảo luận tại Washington được công bố.
Dù đã đưa ra những tuyên bố đầy hy vọng trước đó nhưng cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin kết thúc vào tối ngày 30/9 đã không thể đi đến kết quả nào.
Dow Jones và S&P 500 tích tắc đã quay đầu giảm điểm sau khi Văn phòng lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện, Steny Hoyer, gửi đi thông báo rằng Hạ viện dự kiến bỏ phiếu về dự luật kích thích của Đảng Dân chủ trong ngày thứ Năm.
Giới đầu tư trên sàn Phố Wall đang hy vọng các nhà lập pháp sẽ tiếp tục trì hoãn cuộc bỏ phiếu trong một dấu hiệu cho thấy có sự tiến triển ở gói kích thích lưỡng đảng với Đảng Cộng hòa.
Dù gói hỗ trợ có được thông qua hay không thì các tập đoàn công nghệ lớn cũng có triển vọng tươi sáng. Trong phiên 1/10, nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đóng vai trò lực đỡ cho thị trường. Amazon, Microsoft, Alphabet và Facebook đều tăng ít nhất 1%. Netflix nhảy vọt 5,5%.
Hạ viện Mỹ từng có kế hoạch bỏ phiếu thông qua dự luật cứu trợ kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD vào ngày 30/9 nhưng sau đó đã hoãn sang ngày 1/10 để Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có thêm thời gian thống nhất một giải pháp mang tính lưỡng đảng.
Cuộc thương lượng tối ngày 30/9 đã thất bại. Bà Pelosi và ông Mnuchin tiếp tục điện đàm thảo luận trong ngày 1/10. Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện cho biết: "Bà Pelosi và ông Mnuchin đã thảo luận làm rõ về qui mô và ngôn ngữ của dự luật nhưng hai bên vẫn còn nhiều khác biệt lớn. Cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong chiều 1/10 (theo giờ Mỹ)".
Trước đó, bà Pelosi cũng thừa nhận rằng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa còn bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề như chính sách hỗ trợ các bang và địa phương. Tuy nhiên bà cũng không loại trừ khả năng hai đảng sẽ có thể đi đến thống nhất.
“Các nhà đầu tư háo hức theo dõi tín hiệu tích cực tại Washington,” Adam Crisafulli, người sáng lập Vital Knowledge, lưu ý hôm 1/10. “Tuy nhiên, giọng điệu từ cả hai bên trở nên gay gắt hơn vào buổi chiều”.
Những số liệu kinh tế trái chiều cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch này. Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 9 đã chậm lại khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm từ 56 điểm trong tháng 8 xuống còn 55,4 điểm.
Tuy nhiên tín hiệu từ thị trường lao động lại khả quan hơn dự kiến. Theo số liệu do Bộ Lao động công bố ngày 1/10, trong tuần trước số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 837.000, thấp hơn so với ước tính 850.000 của Dow Jones.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận tháng giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 3. Cụ thể trong tháng 9 vừa qua, Dow Jones sụt 2,2%, S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 3,9% và 5,2%. Tính trong cả quý III, S&P 500 vẫn tăng 8,5%. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này tăng 5%.