Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung cơ chế phân định ngân sách rõ ràng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn hai ngày làm việc (từ 15 - 17/4), Hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách đã thảo luận 4 Dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, gồm Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc hội nghị.     	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Trong ngày làm việc cuối cùng 17/4, ĐB Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình lập ngân sách hiện nay chưa chuyên nghiệp, phải minh bạch và sát thực tế hơn.
Ban soạn thảo phải tiếp thu, chỉnh lý cho đầy đủ, các quy định phải làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn đi liền trách nhiệm. Trong đó, Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) phải thể hiện được kỷ cương, kỷ luật ngân sách để khắc phục những hạn chế lâu nay. Các ban soạn thảo cũng nên lưu ý đến các Dự Luật khác, cũng phải rà soát kỹ để tránh tình trạng "cha chung không ai khóc", trách nhiệm không rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng

ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi: Quốc hội quyết định ngân sách hay chỉ là hình thức? Đây là vấn đề hết sức lớn, làm sao dự toán phải chính xác, khắc phục tình trạng luôn luôn vượt thu. Luật lần này phải khắc phục được tình trạng đó. Theo ĐB Minh, quy trình lập ngân sách của chúng ta hiện nay chưa chuyên nghiệp, chính vì thế, Dự Luật phải bổ sung việc địa phương bội chi trong năm đó mà chưa trả được nợ, thì năm sau không được vay tiếp. Như thế quản lý ngân sách mới được chặt chẽ.

ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết phải phân định rõ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, từ đó xem địa phương có đủ chi từ thu ngân sách của mình không, nếu không thì T.Ư hỗ trợ. Để thực hiện phải phân định rạch ròi, ngân sách của địa phương từ nguồn thu tài nguyên của địa phương do HĐND tự quyết định. Khoản 2 là từ ngân sách T.Ư do Quốc hội quyết định và giám sát. Đây là khoản không tự chủ, phải phân định rõ và phải giảm tối đa cơ chế xin cho. "Cái gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì rất tốt, không ai so bì. Do vậy, Quốc hội phải cải tiến về cách làm" - ĐB lưu ý.

 ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cũng chỉ rõ: Chuyện nợ công mới được đề cập ở Quốc hội, còn tại các cấp xã, huyện chúng ta không kiểm soát được. Nhiều xã, huyện cứ đi vay về để làm các công trình nên tính ra nợ công của quốc gia không phải là ít. Do vậy bây giờ phải cấm việc những địa phương không có nguồn thu không được vay để làm. "Tất cả các khoản chi Quốc hội phải quyết định, hiện nhiều khoản chi lớn mà Quốc hội cũng không biết. Đã là chi quốc gia thì Quốc hội phải biết kể cả chi trong quốc phòng an ninh. Đây cũng là những vấn đề Nhân dân và cử tri yêu cầu" - ĐB đề nghị.

Đặt vấn đề, trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính đang có những sai phạm trong thu chi, tình trạng vượt dự toán diễn ra rất phổ biến, nhiều khoản chi vượt tới 2 lần. ĐB Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho rằng hiện 50 trong 63 tỉnh, thành vẫn cần trợ cấp từ T.Ư, nên không thể để quy định thưởng cho những địa phương vượt thu. Nhiều ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng hiện quản lý tài chính ngân sách đang gây ra thất thoát, lãng phí lớn khi đồng tiền không gắn với hiệu quả. Hồ sơ "đẹp" nhưng không hiệu quả, bị thất thoát, đề nghị Luật lần này phải có cơ chế chịu trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu: Dự Luật phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách hàng năm. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo và báo cáo phải trung thực. Làm sao để Quốc hội, HĐND quyết định cho đúng đắn.