Con số này vừa được đại diện ngành tài chính đưa ra trong hội nghị tổng kết ngành tài chính diễn ra chiều 30/12. Đánh giá về con số này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, nợ công đang tăng nhanh do nhu cầu đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong cơ cấu nợ công hiện tại, nợ trong nước với thời hạn ngắn, lãi suất cao đã gây nên áp lực căng thẳng trả nợ.
Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính nên cân nhắc có phương án, đặt ra bài toán để giải vấn đề trên. Đây là vấn đề Phó Thủ tướng nhấn mạnh không phải cho riêng năm nay mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới để tỷ lệ nợ công quay về ngưỡng vững chắc, an toàn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, những khoản vay thời hạn ngắn, chỉ 1-2 năm, với lãi suất có thể lên tới 13% mỗi năm như những năm trước là "rất nguy hiểm." Đây là vấn đề, theo Bộ trưởng, là đang được cơ cấu lại với lãi suất thấp và kỳ hạn dài hơn.
Giải pháp được ngành tài chính đưa ra là tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ.
Ngoài ra, giải pháp ngành tài chính hướng tới là tập trung cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các dự án, công trình trọng điểm, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại.
"Cần kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương," báo cáo của ngành tài chính nhấn mạnh.
Cũng về huy động vốn, giải pháp được nhắc tới là đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2016, trong đó phát hành với kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm khoảng trên 70%, còn lại là kỳ hạn từ 3 đến 5 năm.
"Cơ quan chức năng sẽ theo dõi, nếu điều kiện cho phép thì thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước theo Nghị quyết của Quốc hội," giải pháp của Bộ Tài chính nêu lên./.
Trước đó, nợ công tính tới hết năm 2014 được đại diện Bộ Tài chính công bố là khoảng 59,6% GDP.