Các nhà sản xuất và cung cấp sữa viện đủ lý do hay tìm cách lách luật để đẩy giá sữa lên nhằm hưởng lợi. Trên thực tế, năm nào điệp khúc tăng giá sữa cũng xảy ra nhưng dường như cơ quan chức năng vẫn bất lực trước tình trạng này…
Bất cập từ chính sách quản lý
Câu chuyện các hãng sữa liên tục tăng giá tuy không mới nhưng lại đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân bởi sữa đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu. Ngoài việc giá nguyên liệu đầu vào tăng, nâng tỷ lệ dưỡng chất, thay đổi công thức,… các hãng sữa còn đưa ra lý do thay đổi nhãn mác, tên gọi để đánh lừa các cơ quan chức năng, bởi thật ra, đó chỉ là "bình mới rượu cũ".
Người tiêu dùng đang phải chấp nhận giá sữa tăng cao một cách phi lý.Ảnh: Thanh Hải
Bằng cách đổi tên thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm sữa bột sẽ được đánh mã nhập khẩu khác (thường thấp hơn mức thuế áp cho sản phẩm sữa) và tránh được việc phải đăng ký giá. Ngoài ra, khi đổi tên là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, lại là mặt hàng kinh doanh theo cơ chế thị trường nên các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối sữa (DN sữa) có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục. Vì vậy, để lách quy định này, các DN sữa vô tư điều chỉnh tăng giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định.
"Hiện, việc cấp phép thay đổi nhãn mác là do Bộ Y tế quản lý. Để bình ổn giá các mặt hàng này, Bộ Y tế cần phải chuẩn hóa tên mặt hàng, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay.
Thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng
Đồng tình với việc cần phải đưa cả các sản phẩm thực phẩm bổ sung vào kê khai, niêm yết và quản lý giá, song nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài thì chúng ta phải có các biện pháp căn cơ hơn.
Cơ chế quản lý giá chưa tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp sữa trên địa bàn.Ảnh: Yên Chi
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hai năm trước, do bất bình với tình trạng giá sữa tăng liên tục, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương đã thực hiện một cuộc điều tra cho thấy, giá sữa bột ở Việt Nam cao bất thường so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Nhưng rồi, từ trước đến nay chưa có DN sữa nào bị "thổi còi". Và nếu có phạt cũng không ăn thua nếu cứ làm từ ngọn và làm theo kiểu hành chính hiện nay. Gần đây, bức màn giá sữa đã được vén lên, khi giá nhập khẩu của một nhãn sữa sản xuất nguyên hộp tại Pháp được công khai chỉ 80.000 đồng/hộp, nhập khẩu về Việt Nam tính cả thuế chưa đầy 100.000 đồng/hộp, nhưng giá bán trên thị trường đến 400.000 đồng. Đó là chưa kể vô số những loại sữa mập mờ nguồn gốc, công bố là sữa nhập khẩu nhưng thực tế lại sản xuất... trong nước; sữa không đảm bảo dinh dưỡng; sữa không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm…
"Tôi sang Thái Lan thấy trung tâm kiểm nghiệm của họ mà "thèm". Họ chỉ lấy xác suất sản phẩm để kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu, có vấn đề là hủy ngay tại chỗ. Kiểm nghiệm tốt thì làm sao giá tăng bừa bãi được" - ông Phú khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng nên thường xuyên có số liệu đối chiếu giá nhập khẩu, qua đó sẽ là căn cứ để kiểm soát giá đăng ký. Vì lý do bí mật kinh doanh, bảng tính giá chưa bao giờ công khai để người tiêu dùng được biết chi phí, giá thành thực tế và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận mà DN đang hưởng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy các DN sữa trong nước phát triển mạnh để cạnh tranh với các hãng sữa ngoại...
Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa. Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Chính vì vậy cần sớm có chính sách miễn thuế cho nông dân nuôi bò sữa, cho vùng nguyên liệu, ban hành các cơ chế ưu đãi về tín dụng, lãi suất... cho DN sản xuất sữa đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.
"Cơ chế quản lý giá chưa tạo ra sự canh tranh công bằng cho các DN sữa trên thị trường. Trong khi, chúng ta khống chế DN sản xuất sữa trong nước chỉ được chi 10% tổng doanh thu cho quảng cáo, nhưng lại không khống chế đối với DN kinh doanh sữa nhập khẩu. Hệ lụy là sữa ngoại lại được quảng cáo rầm rộ hơn sữa nội, khiến người tiêu dùng bị “mê hoặc”, các bà mẹ đổ xô đi mua sữa ngoại. Và thực tế không ai dám chắc là chất lượng sản phẩm có được như quảng cáo hay không?" - Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội
|