100% sách điện tử bị sao chépTrong thời công nghệ 4.0, các đơn vị xuất bản, phát hành sách trong nước đang phải chịu sức ép của một loại hình sách lậu khá mới mẻ là sách điện tử (ebook) lậu. Chính vì vậy, khi đề cập đến ebook lậu, không ít đơn vị xuất bản trong nước hiện nay như Alphabook, Kim Đồng, Chibooks, Đông A… đều phải lắc đầu ngao ngán vì phần lớn sách của họ đều bị xâm phạm bản quyền công khai và được tung lên mạng làm thành ebook, phát tán rộng rãi trên hàng chục trang web và diễn đàn.
Theo số liệu thống kê Waka - Thư viện đọc sách online tại Việt Nam, chi tiêu bình quân cho sách điện tử của độc giả Waka vào năm 2016 chỉ chiếm khoảng 0,1% thu nhập, nhưng tỷ lệ này năm 2017 tăng lên 0,17% gần bắt kịp con số 2% của thế giới. Năm 2016, chỉ 10,06% độc giả Waka chi tiêu cho ebook nhiều hơn 100.000 đồng thì đến năm 2017, con số này tăng lên 35,79%. Điều này chứng tỏ người đọc ngày càng có xu hướng chọn nền tảng điện tử cho việc đọc của mình và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sách điện tử. |
Trao đổi với phóng viên Kinh tế &Đô thị, Giám đốc nội dung số Công ty CP sách Alpha (Alphabooks) Ngô Ly cho biết: “Hiện nay, nhiều đơn vị xuất bản, nhà phát hành sách không mặn mà với việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh sách điện tử. Có nhiều nguyên nhân nhưng đặc biệt là việc kinh doanh ebook kéo theo một loạt hệ lụy về bảo vệ bản quyền. Ở Việt Nam, nhiều website ngang nhiên lấy nội dung bản thảo sách về làm, kinh doanh ngay trên những sản phẩm ebook lậu. Xử lý sau vi phạm mất nhiều thời gian và công sức nhưng chỉ một vài ngày họ lại tái hoành hành”. Nếu năm 2011 - 2012, có một cuốn sách của Alphabook bị sao chép trên mạng 40.000 bản thì hiện nay, 100% sách điện tử của Alpha phát hành trên hệ thống bị các đơn vị khác làm lậu lại.
Bà Ngô Ly nhìn nhận: “Nhiều người dùng có nhu cầu thường xuyên sử dụng sản phẩm miễn phí thay vì sản phẩm trả phí”. Chính vì doanh thu không nhiều nên dẫn đến tình trạng hiện nay, số liệu sách điện tử bản quyền được số hóa chỉ chiếm khoảng vài % so với sách giấy hàng năm xuất bản trên thị trường. Vì vậy, theo số liệu thống kê của các đơn vị kinh doanh điện tử có bản quyền, sách giấy mới hàng năm giao động từ 64.000 – 67.000 cuốn nhưng sách điện tử số hóa chỉ hơn 600 cuốn, cao điểm vào năm 2015 là hơn 2.000 cuốn.
Khó với Việt Nam, dễ với thế giớiEbook lậu xuất hiện tràn lan nhưng khó xử lý là nhìn nhận chung của nhiều đơn vị kinh doanh sách điện tử hiện nay. Theo quy trình của một số đơn vị xuất bản ebook, khi phát hiện ra sản phẩm của mình bị sao chép, họ sẽ gửi email và gọi điện nhắc nhở chủ sở hữu hệ thống đó. Sau 3 lần gửi email, nếu website vẫn ngang nhiên vi phạm, đơn vị nắm giữ bản quyền sẽ có biện pháp khởi kiện hoặc báo cho đơn vị chức năng xử lý. “Quy trình xử lý cuối cùng của họ khi phát hiện ra website cố tình vi phạm bản quyền sách là báo cáo cho Cục an ninh, thông tin, truyền thông (A87) để xử lý. Đến nay, chưa đơn vị nào bị xử lý vì làm lậu ebook do việc theo đuổi một vụ kiện tốn nhiều thời gian, công sức nên việc phát hiện ra sẽ xử lý theo hướng nhắc nhở nhẹ nhàng, chưa khởi kiện ra tòa” – đại diện Alphabooks cho biết.
Vì việc quản lý bản quyền ở các nền tàng kỹ thuật số tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Do vậy 2 năm gần đây những cơ chế, hình thức bảo mật tác quyền ebooks ở Việt Nam đi theo một số hệ thống như phân phối trên CH Play của Google, Appstore. Ngoài ra, theo nhiều đơn vị phát hành ebook, sau khi họ đưa sách lên youtube thì việc xử lý bản quyền đối với hệ thống mang nền tảng quốc tế rất dễ. Bởi ngay khi report (báo cáo vi phạm), hệ thống quản lý của youtube sẽ xóa tài khoản của người vi phạm.
Do vậy, theo các nhà xuất bản ebook, trước mắt, giải pháp cần thiết là cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra hình thức xử phạt tương xứng với vi phạm. Đồng thời, nên đưa ra các văn bản hướng dẫn thi hành để các nhà xuất bản, phát hành có thể thực thi, bảo vệ quyền lợi của mình.