Kinhtedothi - Sinh viên ra trường thất nghiệp, bệnh thành tích, việc đổi mới giáo dục, sách giáo khoa... là những vấn đề làm "nóng" phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/6.
Bộ nhận lỗi về việc sinh viên tốt nghiệp không có việc làm
Nêu ra thực trạng đáng buồn hiện nay là hơn 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, nguyên nhân do đào tạo bất hợp lý, việc lập mới các trường ĐH và mở tràn lan các ngành "hot" mà không đào tạo về khoa học kỹ thuật. Điều này đã làm méo mó cung - cầu lao động, ĐB Thân Đức Nam đặt câu hỏi: Bộ trưởng có biện pháp gì khắc phục? Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vấn đề việc làm liên quan nhiều yếu tố: cung - cầu thị trường, yếu tố nhân lực, thể chế... Ngành giáo dục liên quan đến phần cung. Trách nhiệm của Bộ trong vấn đề sinh viên thiếu việc làm là ở chỗ, trong một thời gian dài, giáo dục ĐH chú trọng đến quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng. "Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra yếu kém này" - Bộ trưởng thẳng thắn và cho biết, Bộ đã có nhiều chấn chỉnh tình trạng này, chặt chẽ hơn trong việc cho thành lập trường và mở ngành đào tạo.
Tuy nhiên, chưa hài lòng với phần trả lời này, ĐB Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) chất vấn: Bộ trưởng nhận trách nhiệm là đáng quý, nhưng chỉ là một phần. Vấn đề là xử lý như thế nào những người có trách nhiệm liên quan khi để xảy ra tình trạng giáo dục ĐH yếu kém. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, xử lý trách nhiệm phải phân tích kỹ. Bộ có trách nhiệm phải xử lý về nguồn cung, phải bảo đảm chất lượng hơn, cảnh báo ngành nghề rõ ràng hơn. Còn lại, phải là sự tham gia của cơ quan cung ứng nhân lực, các trung tâm dự báo nhân lực. "Chúng tôi sẽ cùng Bộ LĐTB& XH để chủ động xử lý bài toán phân luồng học sinh, gắn kết cung - cầu lao động, bảo đảm hiệu quả hội nhập với thị trường lao động thế giới và khu vực" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Đề án đổi mới CT - SGK xây dựng theo “kinh nghiệm”
Cho rằng thi cử là khâu đột phá, nhưng đó chỉ là phần ngọn, đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK) mới là gốc, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi: Sao chưa đổi mới gốc đã đổi mới ngọn? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, đổi mới thi cử sẽ có tác động đến quá trình dạy và học trong trường phổ thông vì hai vấn đề này có quan hệ mật thiết với nhau. Hiện, Bộ đang xây dựng đề án đổi mới CT - SGK, với việc dạy và học CT -SGK cũ hiện nay, các giáo viên, học sinh cũng phải đổi mới ngay chứ không chờ đợi. Bộ trưởng cũng khẳng định: Bộ có niềm tin vững chắc là khi các nội dung được triển khai một cách thực sự thì những bức xúc của cả xã hội, cũng là bức xúc của những cán bộ trong ngành giáo dục sẽ được giải quyết một cách căn bản.
Tuy nhiên, về đề án này, ĐB Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) bình luận: Dư luận vừa qua cho rằng, Bộ trưởng không kiểm soát được nội dung đề án, khi con số 34.000 tỷ đồng sẽ phải tiêu tốn do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát ngôn tại UBTV Quốc hội, nhưng Bộ trưởng "không biết" và hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Do không có căn cứ pháp luật về trình hồ sơ đề án như thế nào, nên Bộ xây dựng trên kinh nghiệm Nghị quyết số 40 của Quốc hội Khóa X về đề án đổi mới CT - SGK phổ thông. Trong đó, không có phần kinh phí. "Vấn đề kinh phí giống như năm 2000, sau khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua về chủ trương, Chính phủ sẽ phê duyệt các đề án cụ thể, trong đó sẽ đề cập đến kinh phí. Bộ không có lỗi trong vấn đề này, đây là làm theo kinh nghiệm có từ trước" - Bộ trưởng nhận định và hứa sẽ bổ sung khẩn trương hoàn thiện lại đề án để trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần kết luận đã cho rằng: Nghị quyết 40 của Quốc hội Khóa X có căn cứ vào Luật Giáo dục và đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện đề án này thật khả thi.
Cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là thẳng thắn, tự nhận trách nhiệm về mình với yếu kém của ngành, đưa ra giải pháp khá đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Cuối năm nay, Bộ GD&ĐT xây dựng một báo cáo toàn diện về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết của T.Ư Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và đề án của Bộ để báo cáo Quốc hội. Nếu cần, Quốc hội sẽ thảo luận một lần nữa về vấn đề này.
Tiến tới còn một kỳ thi quốc gia “2 trong 1”
Trả lời cho câu hỏi của ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Bình Thuận) về việc có tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa không và bao giờ có một kỳ thi duy nhất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi 2014 là đổi mới đầu tiên, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đánh giá, hoàn thiện. Việc đổi mới đều nhằm đến phát triển năng lực học sinh, nhưng không gây sốc. Kỳ thi năm nay nằm trong lộ trình tiến tới còn một kỳ thi quốc gia "2 trong 1", vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét vào ĐH - CĐ. Bộ đã báo cáo Chính phủ và tiếp tục hoàn thiện đề án, lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TTXVN
|
Dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam không giống ai Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) và ĐB Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) về việc học sinh yếu ngoại ngữ, vậy tại sao kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 lại cho phép học sinh thi tự chọn môn ngoại ngữ? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Thực tế cho thấy, cách dạy, học ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay không giống bất cứ quốc gia nào. Học chủ yếu là ngữ pháp, học hết THPT cũng không nói được ngoại ngữ. Phát âm không chuẩn. Vì thế phải đổi mới và trong khi chờ đợi thì không khuyến khích học theo phương pháp cũ. |
Ý kiến cử tri TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT: Bộ trưởng trả lời thiếu thuyết phục Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải thích về 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm là do chất lượng đào tạo kém là phiến diện, không thuyết phục. Nếu chất lượng đào tạo như thế, Bộ phải đẩy chương trình đào tạo lên, phải có kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng, Bộ hiện mới chỉ thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy Bộ vẫn chần chừ. Có 2 điểm mà Bộ trưởng không nói, đó là 84,6% số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty không được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật. Như vậy, một phần lỗi là do Bộ LĐTB&XH. Hơn nữa, có hơn 100.000 doanh nghiệp hiện nay bị phá sản, thì 72.000 SV tốt nghiệp không tìm được việc là lỗi của hệ thống kinh tế chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay rất nặng Với tư cách cử tri, tôi muốn đặt ra một số vấn đề để Bộ GD&ĐT tiếp tục làm rõ. Ví dụ, thực chất bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay rất nặng, cần phải giải quyết đồng bộ 3 mặt. Trước hết người học và gia đình phải hiểu, thông qua nhà trường để đào tạo nên năng lực phẩm chất ở mỗi người. Tiếp đó, việc sử dụng nhân lực phải trọng tài năng thật chứ không chỉ là bằng cấp. Bản thân nhà trường phải thoát khỏi nhu cầu của xã hội để dạy thật, cho điểm thật. GS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng: Đổi mới ngay từ cơ cấu tổ chức của Bộ Để đổi mới căn bản giáo dục ĐH thì phải thực hiện ngay từ cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT cũng như trình độ của cán bộ. Kèm theo đó là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Nhưng vấn đề quan trọng là nội dung chương trình - sách giáo khoa, huy động nguồn lực của xã hội. Do vậy, để khẩn trương giải quyết những nội dung cấp bách, ngành giáo dục cần phải nỗ lực, nhạy cảm hơn nữa. Ông Vũ Xuân Tùng (Dịch Vọng - Cầu Giấy): Đổi mới phải đảm bảo chất lượng Nếu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá thì tốt quá, nhưng tôi thấy, Bộ năm nào cũng thực hiện đổi mới thì khó cho học sinh. Vì giáo dục cần sự ổn định, mà hết đợt thử nghiệm này đến thử nghiệm khác, hết quy định này đến quy định khác, liệu chất lượng có đảm bảo? Đơn cử việc thi ĐH, tại sao mỗi năm đều phải có hướng dẫn mới, gây lãng phí rất lớn? Tại sao không nghiên cứu một kỳ thi chuẩn để rồi chỉ cần có một hướng dẫn thôi, các năm tiếp theo cứ thế mà thực hiện? Oanh Toản thực hiện |