Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Vì danh dự, phải gỡ cho được “thẻ vàng EU”

Công Thọ-Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 6/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thứ nhất liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn gồm: Chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản; Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng và hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội; Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể. Bà cho biết cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cũng kỳ vọng phiên chất vấn sẽ diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, trong 3 ngày chất vấn sẽ có sự tham dự của 86 học viên lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khoá XIII.

Các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi); Châu Chắc (An Giang); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Bùi Văn Xuyền (Thái Bình);... chất vấn các vấn đề: Tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt hải sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở; giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá; mất cả mùa mất cả giá; thậm chí mất giá kéo dài...

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Từ hơn 3000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
 Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng đánh giá 11.800 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 40.000 doanh nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. “Số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”, Bộ trưởng Cường nói.

Về nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới (hữu cơ, tinh túy) hơn... Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng nhấn mạnh 10 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên so với yêu cầu, nguyện vọng của thực tế chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường (sản xuất, tự nhiên), hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ,... tới đây Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.

Về khai thác hải sản, Bộ trưởng cho biết, đối với những tàu lớn, tàu hậu cần chúng ta đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, phù hợp với việc đánh bắt; nhưng đối với những tàu dưới 15m thì vẫn còn khó khăn, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang tranh luận về giải pháp căn cơ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói dù số doanh nghiệp tăng lên 3 lần nhưng số tuyệt đối còn rất thấp. Ông kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp.

Bất cập lớn nhất ở khâu chế biến và tổ chức thương mại

Về câu hỏi giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Ông ví dụ, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

Còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn: Thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi?. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới. Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi. Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.

 Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)

Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.

Cơ cấu lại nợ với trường hợp bất khả kháng 

Bổ sung cho phần trả lời của bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, liên quan đến về một số cơ chế, chính sách về một số vấn đề mà cho vay theo nghị định 67 như ý kiến của ĐB Lê Công Nhường và Phan Thái Bình thì Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường cũng đã nói rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, như trong báo cáo gửi đến các ĐB trước kỳ họp, về phần tín dụng ngân hàng, chúng tôi đã báo cáo thực tế về cho vay theo Nghị định 67.

Hiện nay, tổng dư nợ và cho vay theo NĐ 67 vào khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 33%. Trước tình hình trên, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo bộ ngành cùng địa phương liên quan để triển khai các biện pháp và gần đây nhất là 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương và bộ ngành liên quan, chúng tôi đã tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ và chúng tôi sẽ triển khai.

Về phía ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình để tiến hành các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng là nông dân, ngư dân vay vốn.

Thứ hai, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau và thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu tiếp tục phát sinh như vậy, vừa qua cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các ngành, trước hết, Bộ NN&PTNT tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương để rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi phát triển thủy sản, các nhóm nghề ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất hiệu quả và bền vững hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng, UBND các tỉnh thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018 trong đó tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp, trong những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ, còn trong trường hợp khác có biểu hiện chây ì thì phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.

 Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ NN & PTNT và những ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu, đặc biệt có giải pháp giải quyết giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Cùng với đó, hướng dẫn bổ sung các giải pháp hỗ trợ lãi suất đối với các chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay bao gồm cả nợ quá hạn và nợ cơ cấu lại thời hạn được trả nợ.

“Chúng tôi cũng cho rằng với các giải pháp này đòi hỏi các bộ ngành trong đó bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh thành phố và các ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để có những triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc bày tỏ.

Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu nêu về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Theo Bộ trưởng, có thể nói dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn Châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trước nay chưa từng có.

Trước đó, kể từ khi biết tin Trung Quốc bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các cơ quan, các địa phương liên quan đã diễn tập ứng phó với dịch này. Nhưng do tính chất phức tạp của loại dịch này nên chỉ trong thời gian ngắn dịch đã lây lan ra toàn quốc.

Đến nay, chúng ta phải tiêu hủy 5,7 triệu con lợn, chiếm hơn 8% tổng đàn lợn của Việt Nam. Bộ NN-PTNT đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh, và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm. Nếu tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy 40.000 con. Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.

Có được thành tích trên là cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn đến tận ổ dịch để chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có ngay chính sách hỗ trợ theo giá thành của sản xuất, và yêu cầu chuẩn bị sẵn để xây dựng kịch bản tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Tổ chức Thú y thế giới cũng đánh giá chúng ta rất minh bạch thông tin về dịch tả lợn, không giấu giếm để đề ra giải pháp. Còn nhiều quốc gia khác thì giấu giếm, nên không thể biết được tình hình thực tế về dịch tả lợn Châu Phi là như thế nào.

Đến nay, chúng ta vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ kỵ, đây là hạt nhân để phát triển đàn lợn sau này. Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi vào Khoái Châu (Hưng Yên) cách đây 3 tuần, có nhiều hộ chăn nuôi 3.000 - 4.000 con lợn mà đàn chuồng trại vẫn rất sạch bệnh, không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, có nông dân tên Nghĩa còn ứng dụng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng, nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ lợn.

Đưa các bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi về các huyện nghèo

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình thêm về vấn đề chênh lệch trong cung cấp dịch vụ y tế ở một số vùng miền.
 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến .

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện kỹ thuật cao mà người bệnh không cần lên tuyến trên. Bộ cũng đã đào tạo mô hình bác sĩ gia đình cho các trạm y tế xã, nhưng để cải thiện cần có thời gian.

Về nhân lực, bà Tiến thông tin Bộ Y tế có đề án chọn các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau 6 năm đào tạo chính thức sẽ có thêm 2 năm đào tạo chuyên khoa, sau đó đưa về 61 huyện nghèo trên cả nước. Những người này sẽ được nhận làm việc ngay từ đầu, có 3 năm thử nghiệm và được hưởng phụ cấp 8% lương theo Nghị định 64. Bộ Y tế đang muốn nâng mức phụ cấp này nhưng hiện còn gặp khó khăn.

Cũng theo bà Tiến, ở các vùng sâu, vùng xa hiện còn có mô hình “cô đỡ thôn bản” - họ được hỗ trợ nửa số lương và giúp đỡ nhiều cho đồng bào thiểu số. Về cơ sở kỹ thuật, bằng việc vay vốn ODA và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng gần 2.000 trạm y tế ở các xã khó khăn, triển khai và sẽ khai trương 26 trạm mẫu trên cả nước. Về tài chính, Bộ trưởng Y tế nhắc đến 2 chỉ số, trong đó BHYT toàn dân vượt mức, ở vùng sâu, vùng xa được Nhà nước mua toàn bộ bảo hiểm cho người nghèo nên họ không phải chi trả khi khám chữa bệnh.

Cần cái nhìn toàn diện, không tách rời nông nghiệp

Trong Phiên chất vấn sáng nay, hàng loạt ĐBQH giơ biển tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Đề cập đến chương trình xây dựng nông thôn mới, ĐBQH, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu vấn đề: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Long và gặp nhiều cán bộ lão thành cách mạng có nêu kiến nghị, thời gian đầu thực hiện mục tiêu nông thôn mới cần tập trung vào xã dễ và có điều kiện, nhưng bây giờ còn rất nhiều vùng, đặc biệt là xã an toàn khu, xã ở vùng căn cứ kháng chiến, các xã vùng sâu có điều kiện khó khăn, chưa được quan tâm. Cho nên nhiều cán bộ lão thành và các xã căn cứ kháng chiến, xã có công với cách mạng mong muốn, Nhà nước quan tâm đầu tư chương trình nông thôn mới các xã này. “Quan điểm Bộ trưởng thế nào và bao giờ đầu tư được các xã này”, ĐBQH Đặng Thị Ngọc Thịnh hỏi?

Ghi nhận trả lời của Bộ trưởng cho thấy, Bộ trưởng đã làm nhiều việc và sát sao, tuy nhiên theo ĐBQH Phan Thanh Bình (TP Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, khi nói về nông nghiệp, về mùa và giá, Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ sản xuất nông nghiệp rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Từ đó, nêu hai lý do chủ yếu, chủ quan do nông nghiệp chế biến, khách quan là kinh tế thị trường, thiên tai dịch họa. “Hai lý do này không sai, nhưng tôi băn khoăn khi nhìn nhận nông nghiệp như thế, vì không phải các nước nền nông nghiệp không phát triển được, đối với nước ta thì nông nghiệp là điểm dựa của kinh tế và trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, thì điều tạo ra sức bật cho kinh tế là nông nghiệp”, ĐB Phan Thanh Bình nêu rõ.

“Chúng ta không thể tách rời nông nghiệp mà phải nhìn ở “tam nông” - nông nghiệp, nông thôn, nông dân, và phải làm trọn vẹn vấn đề này, ĐB Phan Thanh Bình đề nghị. ĐB Phan Thanh Bình cũng nêu rõ “chúng ta đẩy được nông thôn mới, nhưng mới chỉ về an sinh, văn hóa, hạ tầng nhưng có gắn với kinh tế và sức sản xuất của nông dân không? Nói cách khác, cần nhìn nhận ở tất cả lĩnh vực chứ không đơn giản là nông nghiệp.

Cũng theo ĐB Phan Thanh Bình, trong nông nghiệp quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm, đi từ sản xuất, qua chế biến, thị trường, Bộ trưởng có nói đến vấn đề này và nhấn mạnh chế biến, nhưng thực sự sản xuất đã quy chuẩn được chưa? Hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng kèm theo đó là tính rủi ro sẽ rất cao.

Về quản lý nhà nước, ĐB Phan Thanh Bình đề nghị nên rõ trách nhiệm.

Tiếp tục tranh luận, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng khi nói rằng, khâu tổ chức sản xuất không còn là số 1. “Sắp số thứ tự như thế nào là tùy Bộ trưởng, nhưng theo tôi, tổ chức sản xuất là gốc của vấn đề để nông nghiệp phát triển bền vững và phát huy đúng tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: Bộ trưởng cho biết quan điểm nêu trên là đúng hay sai? Vì sao tổ chức sản xuất không phải là số 1, nếu tổ chức sản xuất không tốt lấy đâu ra sản phẩm tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán, bán cho ai và lấy gì để chế biến?.

Trả lời ĐB Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng khẳng định chăm lo cho vùng sâu, vùng xa, khó khăn là “trách nhiệm của chúng ta”. Tới đây, Thủ tướng đang giao nhiệm vụ đánh giá 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung đề xuất nguồn lực và phương thứ. “Đây là nhóm và nội dung đầu tiên phải chú trọng”, Bộ trưởng nói.

Về ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay, thì thị trường là khâu khó nhất. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại vừa qua, thì “từng cân rau, cân quả phải đấu tranh để bán hàng; khâu chế biến đang kém, hầu hết xuất thô, chứ không phải nói thế là coi nhẹ sản xuất”, Bộ trưởng nêu rõ… “Nhưng làm tốt đến mấy mà không có chế biến thì không thể nào bán được”, Bộ trưởng khẳng định lại.

Vì danh dự, phải gỡ cho được “thẻ vàng EU”

Về vấn đề "thẻ vàng EU", Bộ trưởng cho biết, đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị rút thẻ vàng, theo đó thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU. Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.

Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các địa phương phải quyết liệt, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì danh dự của Việt Nam, để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Văn Hiền: Quan tâm hơn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa 

“Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn nhìn nhận về sự phát triển thực chất của các DN nông nghiệp, cũng như đưa ra kỳ vọng về việc luật PPP được thông qua sẽ thúc đẩy sự tham gia của các DN. Tuy nhiên, rủi ro đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn rất lớn, trong khi lợi nhuận thu hồi rất chậm, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Do đó, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, sát sườn hơn cho DN nông nghiệp nhỏ và vừa có thể tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất”.

ThS Đặng Thị Bích Thảo (Chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách – Đại học Quốc gia Hà Nội): Khuyến khích kinh tế nông hộ

“Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề cập tới việc thu hút các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp. Tôi nghĩ điều này quan trọng, nhưng còn một bộ phận nữa cũng cần được quan tâm, có giải pháp thúc đẩy, đó là nông hộ. Thực tế, nông hộ là đơn vị kinh tế quan trọng. Các nông hộ, đặc biệt là ở khu vực phía Nam đang có xu hướng tích tụ ruộng đất để sử dụng lợi thế kinh tế theo quy mô. Do đó, bên cạnh những ưu đãi nhằm thu hút sự tham gia của các DN, các bộ ngành cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế nông hộ trong nông nghiệp. Đây có thể được xem là giải pháp cho phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún còn khá phổ biến của sản xuất nông nghiệp hiện nay”.