Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) về diễn biến thị trường BĐS và liệu có xảy ra khủng hoảng, “bong bóng” BĐS không, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành Xây dựng đã phải cơ cấu lại nguồn cung bất động sản, tăng cường cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Nhờ đó, thị trường BĐS đã phục hồi, góp phần tăng cường phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó nhiều người dân không đủ khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường cũng đã có nhà ở.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết thị trường BĐS đã có đầu cơ, dự án có vị trí tốt, dịch vụ đầy đủ, tiến độ nhanh thì giá cao lên. Có xu hướng nhiều dự án BĐS được khởi công nên đang dẫn đến lo ngại “bong bóng” BĐS.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất chất trước Quốc hội.
|
Theo nghiên cứu của các chuyên gia cũng như các nước, “bong bóng” BĐS chỉ xảy ra khi có các yếu tố sau: Nền kinh tế phát triển nóng, không ổn định; các thị trường khác thiếu hấp dẫn nên nhà đầu tư dồn tiền sang đầu tư ở thị trường BĐS; nguồn cung BĐS thiếu; tài chính BĐS lỏng lẻo, việc hạ chuẩn BĐS diễn ra dễ dàng; thiếu kiểm soát và can thiệp kịp thời của nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đô thị.
“Đối chiếu với tình hình hiện nay khó xảy ra “bong bóng” BĐS vì kinh tế nước ta phục hồi, ổn định vĩ mô được giữ vững cùng với các cân đối lớn”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng diễn biến của thị trường này vẫn còn phức tạp, không thể chủ quan, phải chủ động điều hành, quản lý để thị trường BĐS phát triển ổn định. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành khác cũng cần có giải pháp ổn định thị trường tài chính, tín dụng, chứng khoán, hàng hóa để hỗ trợ cho thị trường BĐS, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Về giải pháp của riêng ngành Xây dựng để ổn định thị trường BĐS, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết là tiếp tục tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch - tức là căn cứ khả năng nguồn lực, khả năng thanh toán của nền kinh tế hoặc đầu tư không đủ tiền khiến dự án kéo dài.
Kiên trì thực hiện các giải pháp về kiểm soát thị trường BĐS gắn với nhà ở quốc gia - tái cơ cấu đa dạng hóa các sản phẩm BĐS cho các nhóm dân cư thu nhập trung bình, thu nhập thấp có khả năng thanh toán hoặc nếu thiếu thì được nhà nước hỗ trợ.
Người đứng đầu ngành Xây dựng cũng nêu cao nhiệm vụ tái cấu trúc doanh nghiệp BĐS, tăng tính chuyên nghiệp để khắc phục được các sản phẩm kém chất lượng và những doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh dẫn đến thua lỗ, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Diện tích đất dành cho giao thông thấp
Về trách nhiệm của ngành Xây dựng trong quản lý đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông do đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) nêu lên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt ở cả 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM nhưng tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng và trở thành trở ngại lớn về phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị nghĩa là dịch chuyển dân cư từ khu vực bên ngoài vào đô thị trung tâm làm tăng mật độ dân số ở các đô thị. Ông Dũng cho biết ở Hà Nội trung bình là 13.000 người/km2 nhưng có quận như Đống Đa trung bình 40.000 người/km2. Trong khi ở Paris (Pháp) chỉ 20.000 người/km2 hay như Hongkong, Singapore chỉ 5.000 người/km2.
Thứ hai là diện tích đất cả động và tĩnh dành cho giao thông đều thấp hơn 50% so với yêu cầu, đồng thời thiếu hạ tầng giao thông như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe bus nhanh.
Thứ ba là sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, 90% phương tiện giao thông cá nhân được sử dụng, trong khi đó, chỉ 10% người dân sử dụng phương tiện công cộng.Về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết phải tiếp tục thực hiện xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục nói đến giải pháp phải giãn dân ở trung tâm như việc di dời trụ sở các cơ quan Trung ương, bệnh viện, trường học ra ngoài khu vực đô thị, phát triển các khu đô thị mới có hạ tầng đồng bộ, gắn với khu nhà ga, tàu điện ngầm. Đồng thời, phải có biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để tổ chức giao thông công cộng.