Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/11, giải trình trước Quốc hội trong tại phiên thảo luận về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua ba đợt dịch và đang trong đợt thứ tư. Có một thực tế là đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân; các chủ trương, giải pháp, quyết sách được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị.
Chúng ta đã triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách, an sinh, an ninh và an toàn trật tự xã hội...
Đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ trưởng cho biết, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.
Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phải liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp.
Với một số vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, về vấn đề vaccine, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...
Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Nước ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công.
Tính đến hết ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3; 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên Thế giới để từng bước chủ động vaccine trong nước.
Thứ hai là về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 05/12/2016 của TTCP xây dựng Y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở. Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Về việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch Covid-19. Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân. Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.