Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hạn chế lấy đất nông nghiệp...

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 23.11, về vấn đề giữ đất lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp...

Các chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: Việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường xuất khẩu và tạo dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; Giữ 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa.

Trước đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát có văn bản trả lời chất vấn của Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá liên quan đến vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng.

Trả lời chất vấn của ĐB Khá, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Tính đến hết tháng 8.2010 cả nước có tám dự án trồng rừng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng diện tích như trên, tuy nhiên chính quyền địa phương mới hợp đồng cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê 18.571ha.

Một số được miễn thuế đất 11 năm hoặc toàn bộ thời gian dự án. Qua rà soát, chỉ phát hiện tại tỉnh Lạng Sơn có một số diện tích đất giao trùng với đất đã giao cho dân và khu vực phòng thủ của huyện. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã thống nhất với nhà đầu tư loại bỏ toàn bộ diện tích thuộc năm xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, khu vực chồng lấn, khu vực rừng nguyên liệu ra khỏi phạm vi dự án.

Tuy vậy, công văn trả lời của Bộ trưởng Phát không làm rõ chất vấn của ĐB Khá là “việc làm trên đúng hay sai” mà chỉ cho biết các cơ quan chức năng đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng siết chặt hơn về thẩm quyền, điều kiện và trình tự thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án trồng rừng có vốn nước ngoài.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi: Hiện nay người nông dân khi được mùa rớt giá, khi được giá mất mùa, đời sống khó khăn. Do vậy người nông dân quan tâm tới thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết về thực hiện vấn đề này?

Ngành nông nghiệp hình thành các viện nghiên cứu, khuyến nông, khuyến ngư, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Người dân, nhất là miền núi khó có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, vậy biện pháp khắc phục như thế nào?

Bộ trưởng Phát trả lời: Thứ nhất, về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Vấn đề này, khi triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Bộ cố gắng triển khai. Tình hình cụ thể hơn, xin phép Quốc hội để Bộ Tài chính sẽ có báo cáo chính xác hơn.

Thứ hai, về hoạt động các Viện còn xa nông dân, chúng tôi nhận thấy mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học còn nhiều tồn tại, yếu kém, trước hết về hiệu quả, việc phục vụ trực tiếp nhu cầu của nông dân. Các nhà khoa học đã cố gắng trong hoàn cảnh, có đóng góp tích cực trong việc nâng cao hiệu quả nền nông nghiệp, nhưng so với yêu cầu của bà con nông dân vẫn chưa đáp ứng được. Chúng tôi yêu cầu phải liên tục đổi mới, các Viện đừng đem báo cáo khoa học đến Bộ trưởng mà hãy đem đến những bông lúa, trái cây được cải tiến có hàm lượng tốt hơn. Đã bắt đầu có chuyển biến và sẽ tiếp tục cải thiện.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đặt câu hỏi: Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp muốn đi lên phải áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, trên những cánh đồng có quy mô rộng lớn. Bộ trưởng có giải pháp gì? Thứ hai, Việt Nam là nước sản xuất nhiều loại nông sản. Nhưng thị trường vẫn tràn ngập nông sản nhập khẩu mà không kiểm soát được? Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để bảo vệ sản xuất nông nghiệp nước nhà?

Trả lời đại biểu Hòa, Bộ trưởng Phát nói: Về khắc phục tình trạng manh mún canh tác đất: Có hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ mà muốn vươn lên một nền nông nghiệp lớn, là một bài toán khó. Chúng ta đã hình thành các vùng sản xuất lúa gạo, cao su, cà phê quy mô lớn. Trồng trọt ở Nam Bộ có phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ở miền Bắc phong trào cùng nhau canh tác, sản xuất cùng thời điểm. Rồi các hình thức hợp tác trong nông nghiệp.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Nhiều đại biểu cảnh báo về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng? Tình hình này đã được ngăn chặn hiệu quả chưa? Xin cho biết cụ thể số lượng diện tích đất cho thuê, số lượng nằm trong vùng nhạy cảm?

Bộ trưởng Phát trả lời: Bộ NN&PTNT cùng các bộ đã kiểm tra rất nghiêm túc vấn đề này, đưa ra chủ trương dừng không cho thuê nữa, rà soát những nơi đã cấp, chỗ nào trồng lấn lên vùng nhạy cảm thì loại bỏ. Nơi nào đã cấp mà phù hợp với tiêu chuẩn về trồng rừng mà không vào vùng nhạy cảm mới cho tiếp tục. Vẫn kiểm soát chặt và tất cả địa phương đã thực hiện nghiêm túc chủ trương này.

Đến giờ này, con số cấp giấy chứng nhận vẫn như 2010, cho thuê hơn 18.000ha. trên thực tế các công ty nước ngoài đã trồng trên 13.000ha rừng.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: Việc nâng cấp quốc lộ 1A, lại thành đê chắn sóng, không thoát nước lũ, gây ngập lúa của dân. Trách nhiệm của Bộ NNPTNT như thế nào?

Việc nâng cấp quốc lộ tạo ra đê gây ngập lụt. Bộ NN phối hợp với Bộ GTVT rà soát quy hoạch, thiết kế các công trình giao thông không chỉ riêng ở địa bàn Quảng Nam mà trên cả nước. Rà soát các tuyến đường giao thông và các tuyến đê ven biển. Cách chúng ta thiết kế công trình cũng chỉ ở một mức độ, giới hạn nhất định, vì thế chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ để phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Phát trả lời.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Với việc chặt phá rừng bừa bãi, khai thác nước ngầm bừa bãi, quy hoạch treo, tác động của biến đổi khí hậu thì có giải pháp nào để ngăn chặn và giữ 3,8 triệu ha đất lúa trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy?

Trả lời về vấn đề bảo vệ đất lúa, Bộ trưởng Phát cho biết: Đây là vấn đề lớn, đất lúa giảm có nhiều yếu tố, cả tự nhiên và con người. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế mức tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp...

 

 

Ba đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Lê Như Tiến và Ngô Văn Minh đã tái chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu: Xin bộ trưởng làm rõ, hợp tác của người nông dân một cách tự phát hay Nhà nước có tác động, tham mưu hay có chính sách để thúc đẩy quá trình hợp tác này? Đối với vấn đề nông sản nhập khẩu, khi nào có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nông sản trong nước?

Đại biểu Lê Như Tiến chất vấn: Xin hỏi Bộ trưởng Bộ KHĐT về trách nhiệm kiểm tra, thẩm định trong việc cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng? Số liệu cụ thể ra sao?

Trả lời chất vấn của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Phát khẳng định: Không phải tự phát mà ngành nông nghiệp đã liên tục rà soát, hướng dẫn nông dân hình thành các vùng trồng cao su, cà phê, chè, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật.

Khi nào có hàng rào kỹ thuật, ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật, có kế hoạch điều chỉnh tới gần 1.000 tiêu chuẩn, nhưng vẫn chưa đủ vì các mặt hàng ta có rất nhiều. Bộ vẫn nghiên cứu thêm tiêu chuẩn của quốc tế vì chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới.

Đến lượt 4 đại biểu tiếp theo chất vấn. Đầu tiên là đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: Mặc dù có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, cải tiến giống lúa Việt Nam, tuy nhiên vừa qua, chất lượng giống lúa có vấn đề. Các trung tâm cấp giống không đủ, nên người dân phải mua ở ngoài mà không nắm rõ nguồn gốc giống. Bộ trưởng có nắm được không? Bộ trưởng có giải pháp gì để lúa gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh với quốc tế? Thứ hai là chủ trương của Bộ trưởng về làm lúa vụ ba?

Trả lời đại biểu Bé về vấn đề giống lúa, Bộ trưởng Phát cho biết: Bộ NN&PTNT hàng năm liên tục giới thiệu giống lúa mới và trở nên đắt hàng, nhanh chóng khan hiếm. Bộ vẫn liên tục chỉ đạo các Viện nghiên cứu để đưa ra các giống mới nhưng không kịp. Chúng tôi áp dụng xã hội hóa tại các địa phương để bà con nhân rộng, nhưng cũng vẫn không đáp ứng yêu cầu nên bà con vẫn phải đi mua giống trên thị trường. Về quản lý giống, chúng ta có văn bản pháp quy, yêu cầu địa phương quản lý chặt, nhưng trên thực tế ở nơi này nơi khác bà con nông dân vẫn mua phải những giống không tốt. Tôi xin tiếp thu để làm tiếp.

Về vấn đề lúa vụ 3, trước đây cho rằng chỉ là vụ làm thêm. Nhưng gần đây, nhìn tới tương lai tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nên Bộ chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL. Khuyến khích phát triển vụ 3 là vụ gieo cấy ở trên đồng bằng đang nhiều nước, thu hoạch vào cuối vụ mưa, đầu vụ khô. Tôi hiểu rõ, nếu làm vụ 3 không có bờ bao thì rủi ro rất cao nên đã chỉ đạo các địa phương chỉ làm vụ 3 khi có bờ bao. Trên tổng số hơn 640.000ha chỉ có 7.000ha bị vỡ bờ và mất. Sắp tới sẽ tiến hành củng cố hệ thống bờ bao, áp dụng KHKT.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) chất vấn: Thời gian qua ta chưa đầu tư đúng mức, xây dựng giải pháp hữu hiệu đối phó với các thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch đối phó?

Bộ trưởng Phát trả lời: Theo thông tin tôi có được, biến đổi khí hậu là không thể tránh được và Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng mạnh trên thế giới. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan chức năng đề xuất các biện pháp. Chính phủ thông qua chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kịch bản Biến đổi khí hậu cụ thể, chi tiết. Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ có tác dụng khi toàn thể hệ thống chính trị cùng vào cuộc với sự quyết tâm của nhân dân và tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) chất vấn: Các giải pháp giảm thiểu thiên tai lũ lụt vừa qua thể hiện sự bị động, lúng túng của chúng ta mà không có giải pháp căn cơ. Bộ trưởng có giải pháp gì căn cơ hơn để nhân dân có cuộc sống chung với bão lụt an toàn hơn?

Thứ hai, báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước Quốc hội khóa XII nói rằng sẽ hỗ trợ dân xây nhà chống bão, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai dù đây không phải là điều khó. Bộ trưởng sẽ làm gì để chủ trương này thành hiện thực?

Trả lời đại biểu Mạo, Bộ trưởng Phát thừa nhận: Đúng là chúng ta chỉ đưa ra biện pháp tình thế. Chúng tôi rất mong muốn nhân dân có cuộc sống bình an, năm nào cũng phải sống trong cảnh sơ tán. Chính phủ có chủ trương hỗ trợ cho nhân dân làm nhà chống bão, vượt lũ, không phải sơ tán trong đêm, trong dòng nước lũ. Chính phủ đã giao Bộ xây dựng thực hiện phương án này, chắc sẽ sớm thông qua trong thời gian tới. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Xây dựng. Còn để chống bão lũ hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, trong đó có tuyên truyền cho nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh: Dạy nghề cho nông dân là chủ trương đúng. Nhà nước đã rót rất nhiều tiền cho vấn đề này. Nhưng hiện cử tri cho rằng có 4 không: Không đúng (tập trung vào cơ sở dạy nghề, nhưng không ai học), không trúng (nội dung dạy nghề vừa thiếu, vừa cũ, nhiều nghề dân muốn học không có), không cao và không mạnh. Bộ trưởng có giải pháp gì phối hợp với Bộ LĐTBXH?

Về ý kiến "4 không" này, Bộ trưởng Phát trả lời: Các đồng chí có thể nói một cách hình ảnh để cảnh báo. Hiện nay, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành địa phương đang rất cố gắng triển khai chương trình này, chú ý tới chất lượng chứ không hoàn toàn “4 không” như ý kiến nêu. Còn chúng tôi được giao xác định danh mục ngành nghề, thí điểm đào tạo nghề cho nông dân thông qua phát thẻ. Chúng tôi đang thực hiện và thấy kết quả khả quan.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) nêu câu hỏi : Tổn thất sau thu hoạch của chúng ta hiện nay rất lớn và là tồn tại nhiều năm qua chưa cải thiện được, đặc biệt tổn thất lớn nhất ở khâu bảo quản gây thiệt hại lên tới 10.000 tỷ đồng. Bộ NN&PTNN có giải pháp gì?

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết TW 7, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề giảm tổn thất sau thu hoạch. Bộ NN&PTNT đã tổ chức xây dựng kho giữ lúa với quy mô trữ được 1.120.000 tấn/2.800.000 tấn. Sắp tới sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho bãi.

Xung quanh bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đại biểu Đặng Dũng chất vấn Bộ trưởng Phát rằng nhiều tiêu chí không phù hợp với thực tế và đã được nhiều đại biểu kiến nghị, vậy khi nào sửa đổi?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Bộ tiêu chí xây dựng trên tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, Bộ cũng nhận thấy nhiều tiêu chí không phù hợp. Chẳng hạn như ở ĐBSCL nếu bắt buộc tiêu chí kiên cố hóa kênh mương, hay như bắt mỗi xã xây một chợ…là chưa phù hợp. Tiêu chí nào không phù hợp các tỉnh cứ đề xuất điều chỉnh không nhất thiết phải đợi trình Thủ tướng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết: Cuối tháng này Ban chỉ đạo sẽ tổng kết chương trình xây dựng Nông thôn mới ở 11 tỉnh để tổng hợp kiến nghị điều chỉnh.

Sau giờ giải lao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã bổ sung ý kiến để làm rõ hơn một số nội dung được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Xung quanh vấn đề tổng mức đầu tư cho nông nghiệp và thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết tổng mức chi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn luôn tăng qua các năm và năm 2012 dự kiến đạt 40% đầu tư của toàn xã hội. Về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, từ năm 2011 đến 2013 tập trung bảo hiểm rủi ro thiên tai và dịch bệnh. Dự kiến năm 2012 sẽ dành 1.200 tỷ đồng cho việc bảo hiểm nông nghiệp.

Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tham gia với Bộ Nông nghiệp về vấn đề nhập khẩu nông sản, sau khi gia nhập WTO chúng ta vẫn đảm bảo bảo hộ bốn mặt hàng nông sản trong nước: Muối, trứng gà, đường ăn và lá thuốc lá. Do đó các sản phẩm khác chúng ta chỉ bảo hộ bằng biện pháp kỹ thuật. Vừa qua, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng cao, vừa có lợi vừa không có lợi. Năm 2010 xuất 76 triệu USD nhưng nhập 60 triệu USD, có nghĩa là xuất siêu.

Tiêu thụ sản phẩm và xây dựng hệ thống phân phối đặc biệt với 11 mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, phân bón, thức ăn gia súc… Tuy nhiên, mức độ đầu tư cho hệ thống phân phối khác nhau nên hiệu quả cũng khác nhau. Chẳng hạn gạo thực hiện rất tốt, muối cũng có những đảm bảo nhất định cho diêm dân. Tuy nhiên, riêng mặt hàng thức ăn gia súc, phân bón thì còn có một số hạn chế. Thời gian tới cần phải kêu gọi nhiều thành phần tham gia vào hệ thống phân phối để đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Vấn đề yếu nhất trong phân phối và tiêu thụ là lĩnh vực rau quả, do chưa có biện pháp căn cơ. Thời gian tới sẽ tập trung vào lĩnh vực này. Xuất khẩu nông sản sẽ tăng cường việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang nói thêm về giải pháp để giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Bộ trưởng cho rằng trong số này chỉ 3,2 triệu ha lúa hai vụ, còn lại là lúa nương (100.000 ha) và lúa một vụ (500.000 ha). Sắp tới sẽ có biện pháp khuyến khích địa phương giữ đất lúa, còn với những vùng chưa sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thì xây dựng các phương án để tăng hiệu quả sử dụng đất… Nếu diện tích cần chuyển đổi mục đích thì địa phương phải có giải pháp và đề xuất cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) xung quanh vấn đề cấp phép đầu tư thuê rừng.

Bộ trưởng Vinh cho biết: Từ năm 1995 đến nay, có 10 dự án được cấp phép cho thuê rừng, nhưng phải sau khi có luật đầu tư nước ngoài (năm 1996) thì mới có 9 dự án. Theo quy hoạch, dự kiến sẽ có 342.126ha dành để cho thuê. Nhưng vừa qua Nghệ An đã chủ động thu hồi 53.000ha vì liên quan đến an ninh quốc phòng và một số dự án khác cũng được dừng lại để rà soát, do vậy thời gian tới dự kiến còn hơn 200.000ha đã cấp phép. Tuy nhiên, trong đó cũng chỉ có hơn 18.000ha có ký kết hợp đồng trồng rừng và hiện tại đã được sử dụng. Qua rà soát, cơ bản các địa phương thực hiện đúng theo quy trình cấp phép, trình tự. Đất rừng cho thuê chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương dừng cấp phép, đến nay không có thêm một dự án nào được cấp phép. “Chúng tôi đã tiếp thu và thực hiện nghiêm túc”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kết thúc phiên chất vấn của mình với hơn ba trang câu hỏi chất vấn của các đại biểu xoay quanh các vấn đề trọng tâm của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Bảo Ngọc (Vĩnh Phúc), đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)… về các nội dung như giải pháp liên kết "4 nhà", chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp sản xuất công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm nông nghiệp...

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Bảo vệ đất lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là những vấn đề luôn được ngành nông nghiệp quan tâm, trăn trở. Cây lúa là lợi thế của Việt Nam, đem lại lợi ích rất lớn cho người nông dân trồng lúa. “Không phải ngẫu nhiên nước ta trở thành nước xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới. Tuy nhiên, ngoài cây lúa chúng ta cũng có những cây trồng khác có lợi thế tương đương cây lúa, ví dụ như cây điều. Tôi rất trăn trở vì thời gian gần đây các cây trồng khác như cao su, cà phê lấn át diện tích trồng cây điều. Sắp tới chúng tôi sẽ có giải pháp để lấy lại lợi thế cho cây điều”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xung quanh nội dung chất vấn liên quan đến rừng, rằng “Chúng ta phát triển rừng vì ai”, Bộ trưởng Phát cho biết: Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng rừng đem lại lợi ích chung cho đất nước. Nhưng rừng chỉ phát triển bền vững khi nó mang lại lợi ích chính cho người làm nghề rừng. Do vậy, giải pháp cơ bản nhất là đẩy mạnh giao đất giao rừng cho nông dân. Hiện nay, trong 16 triệu ha chúng ta mới chỉ giao 3 triệu ha rừng cho nông dân. Sắp tới sẽ nâng diện tích này lên mức cao hơn. Bên cạnh đó cũng sẽ hỗ trợ cho người trồng rừng.

 

* Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật...