Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề về những yếu kém trong khâu quy hoạch, cập nhật dự báo tình hình dẫn tới dư thừa sản phẩm, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương đến đâu? Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu câu hỏi khi nào gạo Việt Nam mới có thương hiệu vững chắc trên thị trường thế giới?
Thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng tồn kho một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo thời gian qua liên quan đến việc xây dựng quy hoạch có bất cập giữa cung và cầu, dẫn tới dư thừa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đây cũng là điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước, cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Nguyên nhân thứ hai là công tác dự báo có hạn chế, trong khi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là cần cảnh báo, khuyến cáo doanh nghiệp khi thấy tình hình dư thừa sản phẩm.
Tính đến 1/10/2012, chỉ số hàng tồn kho giảm còn 20%, so với con số 26% ở thời điểm 1/6/2012.
Chính phủ chỉ đạo các giải pháp xây dựng thương hiệu gạo
Liên quan đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Thương hiệu Quốc gia. Hằng năm, Hội đồng đều yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương đăng ký xây dựng các thương hiệu nông sản, trong đó có lúa gạo. Thời gian qua, một số thương hiệu đã được xây dựng như bưởi 5 roi, thanh long Ninh Thuận, nhưng việc xây dựng thương hiệu lúa gạo vẫn gặp khó.
Năm 2012, Việt Nam đã vượt lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo với sản lượng ước 7,5-7,7 triệu tấn, tuy nhiên giá trị mang lại chưa cao nếu so với các nước. Thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo bà con quan tâm hơn tới giống lúa có chất lượng, đồng thời từng bước xây dựng hình ảnh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua việc tìm kiếm, ký kết các đơn hàng dài và ổn định. Đơn cử, chúng ta ký thỏa thuận cung cấp 1,5 triệu tấn gạo cho Philippines đến hết năm 2013, hơn 1 triệu tấn gạo với Indonesia và đang đàm phán thỏa thuận với Malaysia.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm hạn chế tình trạng hàng nông sản Việt Nam ra thế giới mang tên nhãn mác khác.
Giải trình thêm về vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết thời gian qua việc triển khai xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được Chính phủ hết sức quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Một là áp dụng công nghệ mới, nhân rộng sử dụng nguồn giống lúa chất lượng cao hơn; hai là tổ chức sản xuất trên các cánh đồng mẫu lớn để có sản lượng hàng hoá cao, chất lượng giá thành giảm; ba là hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng kho dự trữ bảo quản đảm bảo chất lượng nông sản ổn định; bốn là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Các cơ quan chức năng sẽ triển khai 4 vấn đề trên một cách đồng bộ và đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Sau 23 năm Việt Nam xuất khẩu gạo, chất lượng gạo xuất khẩu đã chuyển từ thấp sang chất lượng trung bình và thời gian tới sẽ tiếp tục được nâng cao.
Rà soát chương trình tái định cư các dự án thuỷ điện
Về cơ chế, chính sách đặc thù dành cho người dân vùng có dự án thuỷ điện phải di dời được đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, mới đây, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách mới về việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện với nhiều điểm mới, trong đó có nội dung dành cho công tác di dân, tái định cư. Theo đó, việc giải phóng mặt bằng được trao cho địa phương, bởi hơn ai hết, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình và có điều kiện sắp xếp, quy hoạch sử dụng đất cho người dân.
Việc giải quyết việc làm cho người dân cũng đòi hỏi phải linh hoạt trong xem xét, thu nhận. Chính phủ cũng đã chỉ đạo, với các dự án thuỷ điện quy mô lớn sẽ có đề án khuyến công, khuyến nông, tạo các cụm công nghiệp, nông nghiệp thu hút người dân vào làm việc. Đây là quyết định phù hợp với lòng dân và tại nhiều dự án thuỷ điện vừa qua, những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của người dân đã từng bước được khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết các chính sách này mới áp dụng cho các dự án thuỷ điện gần đây, còn với những dự án triển khai từ lâu mà đời sống người dân còn khó khăn, người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng khảo sát lại các dự án di dân tái định cư để có có chính sách phù hợp.
Thừa nhận tình trạng một số thuỷ điện đã triển khai từ lâu như Hoà Bình, Thác Bà nhưng nhiều nhu cầu chính đáng của người dân trong khu vực vẫn chưa được đáp ứng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo từng bước xem xét thông qua các chương trình mục tiêu, kinh phí giải quyết vấn đề này. Sau kỳ họp này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu cho Chính phủ để giải quyết.
Cũng liên quan đến lĩnh vực điện, nhiều đại biểu quan tâm đến việc liệu có loại bỏ dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A vì liên quan đến rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến môi trường. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A có công suất 1 tỷ kWh/ năm. Dù có hiệu quả kinh tế, nhưng nếu tác động môi trường lớn, các Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc và có thể cho dừng dự án. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá báo cáo tác động môi trường của dự án này.