Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung “đặt hàng” nghiên cứu cung – cầu lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Viện Khoa học Lao động và Xã hội phải gắn kết quả nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng. Nghiên cứu cái gì thì phải bắt đầu từ cái đó”. Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Viện Khoa học Lao động và Xã hội về công tác nghiên cứu khoa học nhân kỷ niệm 40 năm thành lập (14/4/2018), chiều nay 10/4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) của Viện Khoa học Lao động và Xã hội trong 40 năm qua, nhất là năm 2017. Song, đánh giá một cách khách quan, các nghiên cứu chưa bao phủ hết, có nhiều mặt, lĩnh vực chưa gắn với thực tiễn; sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng và sử dụng trong thực tiễn chừng mực nàu đó còn hạn chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt hàng Viện Khoa học Lao động và Xã hội về cung cầu lao động và giáo dục nghề nghiệp.
Trước tác động của già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng, Bộ trưởng Dung yêu cầu các công việc nghiên cứu của Viện phải được giải quyết quyết liệt hơn, thấu đáo hơn. Nhất là một số vấn đề như việc làm bền vững, đào tạo nhân lực, chuyển đổi việc làm.

“Trong thời gian tới, Viện phải phấn đấu trở thành trung tâm học thuật của Bộ - quy tụ sự tham gia và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học ở trong và ngoài ngành lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu: “Định hướng NCKH cần cân đối hài hóa giữa ứng dụng lý luận và thực tiễn. Phải gắn gắn kết quả nghiên cứu với từng địa chỉ ứng dụng. Nghiên cứu cái gì thì phải bắt đầu từ cái đó, giống như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kết nối với DN, chứ không phải thực hiện vu vơ, làm xong rồi xếp xó. Ngoài nghiên cứu có tính chất cơ bản, phần đông và đa chuyển sang nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng, nghiên cứu xong phải đưa vào thực tế ngay”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị trong thời gian tới, Viện tập trung xây dựng bộ công cụ đánh giá, chú trọng các nghiên cứu đón đầu để tham gia vào dự báo tầm chiến lược về cung cầu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Chúng tôi đặt hàng các đồng chí 2 vấn đề, một là cung - cầu lao động, hai là giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Người đứng đầu ngành LĐTB&XH kỳ vọng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phấn đấu hướng tới trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học - lao động - xã hội, quy tụ được sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài ngành, DN đặt hàng các đề tài, sáng kiến. Đồng thời, tiến tới tất cả các đề tài sáng kiến đều phải thương mại, chứ không phải chỉ trông chờ vào bầu sữa mẹ đang teo tóp, cạn kiệt dần. Tiến tới, theo tinh thần Nghị quyết 18, Viện cũng phải xây dựng lộ trình tự chủ, trước mắt là thực hiện tự chủ từng phần.