Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ khởi nghiệp

Nha Trang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, theo dự toán tổng số thu cân đối ngân sách là 1,2 triệu tỷ đồng, tổng chi 1,3 triệu tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nhân dịp đầu năm mới 2017, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các giải pháp tăng thu ngân sách, hỗ trợ DN, giảm bội chi, giảm nợ công trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn hiện nay.
Nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Thưa Bộ trưởng, năm 2017 được đánh giá là vẫn còn nhiều rủi ro tác động đến tăng trưởng và thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Bộ Tài chính sẽ điều hành cân đối ngân sách như thế nào trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức?
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự báo tình hình kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro như khả năng tái cơ cấu của các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Brazin, Nga...); sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản, tác động của các sự kiện như Brexit, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy nhanh qua việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và liên kết khu vực. Bên cạnh đó, biến động nhanh về dòng vốn, luân chuyển thương mại, diễn biến phức tạp của giá cả hàng hóa thế giới (đặc biệt là giá dầu thô), biến đổi khí hậu... là những rủi ro chính tác động đến tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN.
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN được giao, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp trọng tâm. Đó là thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển DN, tạo nguồn thu ổn định cũng là giải pháp được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm. Chúng tôi cũng sẽ triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý tài chính DN, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DN Nhà nước (DNNN), đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính…
Hỗ trợ DN khởi nghiệp là một trong những chủ trương được Chính phủ rất quan tâm hiện nay. Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục có những giải pháp nào để hỗ trợ khối DN này, thưa Bộ trưởng?
- Tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ DN đã được Chính phủ quan tâm và cho áp dụng để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp.
Hiện đã có nhiều quy định ưu đãi thuế với các mức độ khác nhau dành cho DN khởi nghiệp mới thành lập hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên hoặc các DN nằm trong khu vực kinh tế kém phát triển, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực nghèo. Ví dụ, áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với DN có dự án đầu tư mới tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm và nhiều lĩnh vực ưu đãi khác.
Để tiếp tục hỗ trợ và phát triển DN, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP với nhiều giải pháp về chính sách và quản lý thuế. Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể về thuế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DN, trong đó bao gồm các giải pháp về thuế hỗ trợ các DNNVV, DN khởi nghiệp... Các giải pháp được đề xuất sẽ vừa nuôi dưỡng nguồn thu NSNN, vừa nhằm hỗ trợ và phát triển DN, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ trúng, đúng đối tượng cần hỗ trợ mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất, từ đó có tác dụng lan tỏa, thúc đẩy DN khởi nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Được biết, phương án giảm thuế cho các DNNVV, trong đó có DN khởi nghiệp đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Nếu được thông qua, việc giảm thuế sẽ hỗ trợ thế nào cho DN khởi nghiệp?
- Nếu giải pháp này được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền chính sách, để đưa chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Theo tính toán, ngân sách sẽ hụt thu một khoản nhất định nhưng ngược lại những tác động hỗ trợ DN cũng sẽ giúp DN khởi nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Điều này góp phần duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Giảm tối đa kinh phí đi công tác nước ngoài
Bội chi ngân sách, nợ công… vẫn là câu chuyện được nói nhiều trong thời gian qua. Xin Bộ trưởng cho biết, năm 2017, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp nào để giảm bội chi, giảm nợ công?
- Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi một số năm gần đây, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu NSNN; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn ngoài NSNN còn hạn chế nên những năm qua, Chính phủ chủ động điều hành bội chi NSNN theo hướng linh hoạt và trình Quốc hội chấp thuận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, bội chi NSNN bình quân 5,5% GDP; năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 6,33% GDP, năm 2015 là 6,11% GDP.
Quốc hội đã xác định mục tiêu phấn đấu giảm mạnh bội chi để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quản lý thu để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng cắt giảm đối với các nhiệm vụ chi đầu tư và chi thường xuyên.
Vậy, làm sao để giảm chi mà vẫn đáp ứng các nhu cầu chi cho phát triển kinh tế?
- Trong năm 2017, chúng tôi quyết liệt thực hiện tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công, chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...
Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện cắt giảm đối với các nhiệm vụ chi đầu tư và chi thường xuyên đã được duyệt từ đầu năm nhưng đến hết năm ngân sách vẫn chưa giải ngân hết, trừ các khoản mới bổ sung trong năm và các trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định. Quản lý, sử dụng dự phòng chi NSNN tập trung cho các mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và một số nhiệm vụ quan trọng cấp bách về quốc phòng, an ninh, biển đảo...; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, kiên quyết không thực hiện việc chuyển nguồn sang năm sau đối với các nhiệm vụ do chủ quan các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm… Những giải pháp này sẽ giảm chi để giảm bội chi và nợ công;...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!