Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyên giới trẻ khởi nghiệp "ly nông, bất ly hương"

Như Hương - Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyên các bạn trẻ, không nhất thiết khởi nghiệp ở nông thôn là phải về trồng, về nuôi mà thông qua sự sáng tạo của thế hệ trẻ, khả năng tiếp cận nhanh nhạy với chuyển đổi số, thị trường, khoa học kỹ thuật thì có thể tạo ra giá trị gia tăng."

Bài học rút ra khi triển khai Nghị định 67?

Chiều ngày 7 và sáng 8/6/2022, Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) gửi tới Bộ trưởng câu hỏi về Nghị định 67 năm 2014 để giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển cũng đã hơn 7 năm rồi. Vậy những bài học rút ra khi triển khai Nghị định 67, giải pháp tháo gỡ cho ngư dân nhằm thực hiện tốt hơn nghị định này? Đại biểu cũng chất vấn liên quan đến giải pháp phát triển ngành muối?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề một bộ phận lực lượng lao độn không quay trở lại các siêu đô thị và đại công trường sau Covid-19. Trong tương lai, nhiều con em chúng ta sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, dạy nghề sẽ không ở lại TP mà trở về quê lập nghiệp.

Đó là xu hướng mới, cơ hội phát triển đồng thời cũng sẽ là thách thức vô cùng lớn cho nông nghiệp nông thôn, Bộ trưởng nghĩ gì về xu hướng này? Giải pháp đột phá gì cho cuộc cách mạng về khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái về khởi nghiệp ở nông thôn để có thể tạo việc làm cho người dân và DN?

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) chất vấn hiện nay, giá đầu tư đầu vào của ngành nông nghiệp, nuôi giống, thuốc bảo về thực vật, phân bón đều tăng phi mã, trong khi đó sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra tăng không đáng kể, gây khó khăn cho DN và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng có giải pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân trong thời gian tới?

Đại biểu cũng chất vấn, hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn, gây ô nhiễm diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để kiểm soát tình trạng này trong thời gian tới?

Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67

Trả lời chất vấn về thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản và mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong triển khai thực hiện Nghị định này, các cấp, các ngành còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa.

Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…

Bộ trưởng cũng nêu rõ, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ NN và PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.

Liên quan đến vấn đề phát triển ngành muối, Bộ trưởng cho biết, việc tổ chức ngành hàng này hiện nay vẫn còn tự phát, giá trị không cao. Các địa phương bắt đầu thu hẹp diện tích làm muối, dần dần công nghiệp hóa một phần ngành hàng này.

Tuy nhiên ngành muối giá trị không cao nên nếu đầu tư vào ngành khác để giá trị ra tăng cao hơn cũng là một giải pháp. Bộ đã xây dựng Đề án phát triển ngành muối trong điều kiện chuyển dịch một số diện tích muối sang quy hoạch ngành kinh tế khác; sử dụng các biện pháp để muối không chỉ là thực phẩm mà còn là dược phẩm, mỹ phẩm…

Khởi nghiệp nông thôn: "Ly nông, bất ly hương"

Liên quan đến vấn đề ngành nghề khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, dòng người từ đô thị trở về nông thôn, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng tôi cũng thấy rằng, nông thôn đang có biến động cộng và trừ.

"Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã có một nhóm nhóm phát triển kinh tế nông thôn. Nếu chúng ta ít chú ý đến phát triển kinh tế nông thôn mà chúng ta chú ý nhiều đến đầu tư cơ sở hạ tầng của các xã nông thôn mới, thì trong nhóm 11 nội dung thành phần xây dựng nông thôn mới là có đặc điểm khác giai đoạn cũ. Đó là chú trọng phát triển kinh tế nông thôn gồm: hợp tác xã - kinh tế tập thể, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp.

Bốn nội dung đó chúng tôi gom lại để phát triển kinh tế nông thôn. Chỉ riêng kinh tế nông thôn phát triển theo chương trình đó, chúng ta sẽ tạo ra được nhiều không gian và việc làm ở nông thôn hơn, nghĩa là đúng với câu chúng ta vẫn hay nói “ly nông bất ly hương”." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Nhiều quốc gia phát triển cũng đi lên từ những dịch vụ nhỏ ở nông thôn, dịch vụ công nghiệp thương mại nhỏ ở nông thôn. Nhưng cái nhỏ đó lại bao trùm được việc làm ở nông thôn để làm sao người ở nông thôn không chỉ sống bằng nghề nông mà còn sống bằng các nghề công nghiệp dịch vụ. Thông qua đó sẽ tạo không gian để các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã đưa ra một đề án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ tạo ra giá trị mới ở nông thôn, khởi nghiệp ở nông thôn không có nghĩa là về quê tiếp tục làm nông nghiệp mà từ sản phẩm bà con mình đang làm nông nghiệp đó thì DN khởi nghiệp sẽ tạo ra các giá trị cao hơn thông qua chế biến, bao bì.

"Chúng tôi khuyên các bạn trẻ, không nhất thiết khởi nghiệp là phải về trồng về nuôi mà chúng ta chỉ sử dụng sản phẩm của người dân và thông qua sự sáng tạo của thế hệ trẻ, khả năng tiếp cận nhanh nhạy với chuyển đổi số, thị trường, khoa học kỹ thuật thì có thể tạo ra giá trị gia tăng. Chương trình phát triển OCOP của Bộ NN&PTNT cũng bắt đầu chuyển hóa từ nông sản thô sang nông sản chế biến, nhưng chúng ta cần phải gia công rất lớn. Đó là chúng ta tạo ra nhiều không gian về nông nghiệp để bớt đi tình trạng nền nông nghiệp gia công đơn giản. Điều đó cũng rất cần có bàn tay chung sức của giới trẻ." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

“Về thực phẩm bẩn, mặc dù đây là vấn đề liên bộ, nhưng trước tiên với tư cách người quản lý ngành sản xuất, tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm.", Bộ trưởng bày tỏ.

Vì từ sản xuất thực phẩm bẩn còn đưa ra chế biến, phân phối, cả một chuỗi, có khi sản xuất sạch nhưng khi ra thị trường lại bẩn, vì còn nhiều tác nhân khác. Nhưng với trách nhiệm của Bộ trưởng ở khâu sản xuất, chúng ta chuẩn hóa vùng nuôi, vùng trồng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hại cho sức khỏe con người nhưng chúng ta chưa nghĩ tới câu chuyện sạch để xuất khẩu mà còn sạch cho người Việt Nam chúng ta tiêu dùng. Dư luận trong xã hội là chúng ta làm sạch để bán cho nước ngoài, còn bản thân người trong nước lại không quản lý được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về trang trại chăn nuôi 25m, giữa hai tiêu chí ATTP và khoảng cách thì chúng tôi chọn ATTP và bảo vệ môi trường, còn tiêu chí về khoảng cách 25m, nhiều khi chúng ta đưa ra mà chưa hiểu được bối cảnh, không gian sống thì chúng tôi xin hứa là chúng tôi sẽ trả lời sau khi khảo sát cụ thể để tháo gỡ vấn đề này.

Trả lời về vấn đề giải pháp đã làm để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng: "Chúng ta thay đổi một mùa vụ, thì mùa vụ sau chúng ta thay đổi được cây trồng, vật nuôi. Nhưng để thay đổi tư duy thì còn đó là một quá trình, cần nâng cao nhận thức dần lên. Do đó, trong chiến lược PTNN và NT và đề án nội ngành từ nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thủy sản thì chúng tôi đều quán triệt theo tư duy đó. Tức là chuyển đổi từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị và chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, lấy thị trường để quyết định điều chỉnh, chuyển từ tư duy tạo ra sản phẩm mà mình có thể làm được sang tư duy trở thành thương phẩm khi đáp ứng được chuẩn mực của thị trường với một điều kiện giá tối ưu nhất và đa giá trị nhất."