Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các TP lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy…
Phát hiện 1.700 vụ việc xâm hại trẻ em
Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) đưa ra câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ trưởng cho biết, đánh giá của bộ với tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục thời gian qua. Tại sao chỉ khi có sự chỉ đạo giải quyết cũng như áp lực dư luận thì mới giải quyết các vụ án?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin: Năm 2017 phát hiện 1.700 vụ việc xâm hại trẻ em, tình hình đã giảm so với 2016 nhưng trong đó có 1.600 vụ là xâm hại tình dục (chiếm 84% số vụ). 80% nạn nhân các vụ xâm hại đều là các cháu gái.
Có trên 90% số vụ là mua bán người ra nước ngoài, trong đó 70% là mua bán sang Trung Quốc. Tội phạm hiếp dâm vẫn xảy ra nhiều, nhất là hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Trung bình 1 năm xảy ra 730 vụ, trong đó có 430 vụ hiếp dâm trẻ em…
Công tác tấn công trấn áp tội phạm được triển khai quyết liệt hơn, tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%. Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ...
Các đối tượng gây ra các vụ việc thường chưa có tiền án tiền sự và phần lớn là những người quen thân với nạn nhân. Có những trường hợp thông tin về sự việc bị đẩy “vống” lên khiến gia đình nạn nhân hoang mang. Có nhiều vụ hướng xử lý ban đầu không hợp lý dẫn tới dư luận bức xúc, nghi ngờ lực lượng công an trong việc xử lý các vụ việc như vậy.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hầu hết các vụ xâm hại không có nhân chứng, nạn nhân là trẻ em còn nhỏ nên tâm lý hoảng loạn, khai báo thiếu thống nhất hoặc khai theo lời hướng dẫn của gia đình, thân nhân, gây khó khăn cho việc điều tra, phá án. Bộ đang chỉ đạo công an các địa phương để tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong người dân, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Về ý câu hỏi của đại biểu “Tại sao chỉ khi có sự chỉ đạo giải quyết cũng như áp lực dư luận thì mới giải quyết các vụ án?”, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: “Tất cả các vụ án đều được quan tâm chứ không phải chỉ khi có chỉ đạo, dư luận nhưng do loại án này phá có khó khăn như một số nguyên nhân đã chỉ ra nên thời gian bị kéo dài”.
Cũng về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự chưa tán thành với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an. Ông muốn biết nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến loại tội phạm này (12%) trong 6 tháng qua?
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, con số về tội phạm này nêu ra là con số lực lượng công an khám phá, điều tra, còn số thực tế như nào thì cần đánh giá thêm. Vậy nên đánh giá số lượng án tăng thì có thể là do ngành mở đợt cao điểm đấu tranh với loại tội phạm này nên mới vậy… Việc thành lập cơ quan điều tra chuyên trách trong lĩnh vực này thì Bộ Công an đã nhiều lần đề xuất để có thể có một quy trình điều tra đặc biệt, như mô hình tòa gia đình, tòa án thân thiện để xử lý những vụ việc này. Nếu có một quy định về trình tự đặc biệt thì sẽ tháo gỡ được những khó khăn, giúp sớm vạch trần được những loại tội phạm này.
Tín dụng đen đẩy tình hình tội phạm tăng cao
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang có nhiều diễn biến phức tạp, hình thành tổ chức đòi nợ thuê, hoạt động công khai, manh động nhưng việc phát hiện xử lý chưa kịp thời. Ngành có giải pháp gì kịp thời ngăn chặn hiệu quả?
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước.
Đối với tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an xác định hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao vừa qua. Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới rất khó phân biệt.
Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, tội phạm tín dụng đen còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tín dụng đen có đất phát triển. Phần lớn đối tượng cầm đầu đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội.
Công an xác định, với tổ chức cho vay tín dụng đen mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu thì cần tập trung đấu tranh. Bộ Công an cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, với cơ quan ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong dân, giải quyết tiếp cận vốn của người dân...
Bộ trưởng cũng cho biết, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ sử dụng vũ khí nóng gây án nghiêm trọng; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (68,5%), riêng tội phạm trộm cắp chiếm khoảng 45%, hình thành nhiều băng nhóm, đường dây trộm cắp với thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tính lưu động cao nên việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Với nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ năm 2016 đến nay, trung bình 1 năm xảy ra gần 100 vụ giết người cướp tài sản; 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội. Đáng lưu ý, còn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó xuất hiện ngày càng nhiều các vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra.
Tại buổi chất vấn, giải trình thêm về tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Bản chất tín dụng đen có đặc điểm không có đăng ký kinh doanh, khoản vay thường phục vụ vay vốn nhanh, điều kiện cho vay nhanh gọn, lãi suất cao theo thoả thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự ngoài tổ chức cho vay theo quy định của luật.
Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt, đặc biệt khu vực nông thôn. Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở chi nhánh ở địa bàn, thông qua các kênh cho vay... phần nào giải quyết nhu cầu tiếp cận vốn. Tuy nhiên, một bộ phận vay vốn gấp mà với tổ chức tín dụng cần thẩm định và phòng ngừa rủi ro. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn thanh toán, tạo điều kiện cho quỹ tín dụng nâng cao chất lượng hoạt động, đơn giản hoá thủ tục cho vay và thanh toán để tiếp cận vốn dễ hơn...