Theo đó, với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, DN không cần làm các thủ tục công bố hợp quy mà được phép tự công bố và gửi 1 bản tới UBND cấp tỉnh, được phép sản xuất kinh doanh sau khi công bố. Với nhóm thực phẩm sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp sản xuất trong nước phải được thẩm định, cấp phép mới được sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế cũng đề xuất chỉ kiểm tra tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng hoặc những lô hàng đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu, lô hàng được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương. “Như vậy, 95% các lô hàng nhập khẩu sẽ không cần kiểm tra hồ sơ, với các sản phẩm kiểm tra thông thường, thời gian kiểm tra hồ sơ giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày”, bà Trần Việt Nga cho hay.
Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, thời gian qua, Nghị định 38 của Chính phủ về quản lý ATTP bị nhiều DN chế biến, sản xuất thực phẩm bao gói “tố” vì thủ tục hành chính rườm ra, gây khó khăn và tốn kém cho DN. Do vậy, theo kế hoạch, đến tháng 12 tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định 38 sửa đổi, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP để giải quyết những bức xúc của DN.
Ông Quang cho biết thêm, Bộ Y tế đang thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, hiện đã kết nối 5 thủ tục hành chính liên quan ATTP và thiết bị y tế với hải quan. Dự kiến năm 2020, các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính được thực hiện thông qua cơ chế 1 cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công mức 4, được kiểm tra, thu phí qua hệ thống điện tử.