Khái niệm nhường chỗ cho người già, giúp đỡ người gặp nạn, hay thậm chí nhỏ nhặt hơn là quan tâm đến những người xung quanh mình, với nhiều người trẻ dường như xa lạ. Có trẻ nhìn thấy những người kém may mắn hơn mình thì tránh xa, thậm chí chê bai.
Một người phụ nữ đã kể về “hành trình” chị bồi đắp lòng nhân ái cho con. Con chị cũng như không ít trẻ khác chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, bạn gặp nạn, cháu còn rất vô tư nói “cho đáng đời”; thấy một trẻ ăn xin ngồi bên đường, cháu bĩu môi “bẩn quá”…. Chị thấy rất bất ổn trong cách cư xử của con, nhưng chị cũng không biết phải bắt đầu từ đâu để dạy con về lòng trắc ẩn. Rồi chị chọn cách giải thích vấn đề với con sau đó đưa ra thí dụ cụ thể về cách thể hiện sự đồng cảm. Như khi thấy con tỏ vẻ chê bai những đứa trẻ cơ nhỡ hoặc người tàn tật, chị tránh không mắng con, hoặc áp đặt với con điều gì, mà chỉ tìm cách phân tích cho con hiểu rõ những điều con chưa nhận thức hết, điều chỉnh cách suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Dần dần, chị đã góp phần thay đổi suy nghĩ, con gái chị không còn mắng mỏ, phê phán những người không may mắn hoặc ích kỷ khi chơi với bạn. Bây giờ, khi thấy những cảnh đời khốn khó, cháu cũng động lòng trắc ẩn. Đồng thời, tranh thủ nhưng lần nhà trường phát động phong trào giúp đỡ vùng xa, chị khuyến khích con cùng tham gia. Giúp con thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, mất mát của những số phận kém may mắn hơn mình. Việc làm tuy nhỏ, nhưng con sẽ cảm nhận được sự sẻ chia.
Thực tế, nếu bố mẹ là người biết đồng cảm với những người kém may mắn, chính là đang làm gương cho con về cách sống tốt đẹp, biết nghĩ đến người khác và con sẽ theo đó noi gương theo. Do đó, để bồi dưỡng lòng nhân ái, bố mẹ cần khuyến khích trẻ chia sẻ, từ những việc nhỏ như dành một phần tiền heo đất cho công việc từ thiện; gom góp sách vở, quần áo, đồ chơi… cho các tổ chức từ thiện…, đến những việc lớn hơn theo từng lứa tuổi.
Guồng quay vội vã của cuộc sống hiện đại dễ khiến cho người ta hờ hững và thờ ơ với nhau hơn, thì chuyện nhắc đến lòng nhân ái với trẻ sẽ góp phần hình thành tính cách tốt, kỹ năng sống cần thiết. Bởi lòng nhân ái chính là nền tảng của tất cả những gì tốt đẹp. Không có lòng nhân ái, không có tấm lòng biết nghĩ đến người khác như nghĩ cho mình sẽ không làm được chuyện lớn và càng không thể nảy sinh những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Xây dựng lòng nhân ái cho trẻ cũng giúp trẻ tránh được nhiều vấp ngã sau này, biết thông cảm và thấu hiểu người khác, rất thuận lợi cho quan hệ giao tiếp cá nhân của trẻ. Và chính những năm tháng trẻ thơ là khoảng thời gian tốt nhất để bố mẹ bắt đầu vun xới lòng trắc ẩn cho trẻ, để giúp trẻ bước vào giai đoạn trưởng thành toàn diện nhất.