Thực hiện Đề án đến nay, kết quả nổi bật là hàng trăm lãnh đạo cấp cơ sở đã được bồi dưỡng nâng cao trình độ, góp phần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao thực tế công việc, yêu cầu của người dân.
Bộ Nội vụ nghiên cứu nhân rộngTriển khai Đề án với nhiệm vụ trọng tâm là bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cơ sở, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 216/KH-UBND ngày 9/10/2017 về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn TP Hà Nội (gọi chung là UBND cấp xã), với mục tiêu 1.527 cán bộ sẽ được đào tạo.
Thực hiện kế hoạch này, Sở Nội vụ đã phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các giáo sư khoa học xây dựng nội dung chương trình gồm 32 chuyên đề, chia thành các hợp phần: Kiến thức lý luận - chính trị; Kiến thức hành chính - chính quyền địa phương; Định hướng đổi mới; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành; Học tập kinh nghiệm trong, ngoài nước. Theo đó, TP phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, Trung tâm Huấn luyện Nghiệp vụ - Công an TP đã tổ chức 3 khóa bồi dưỡng cho tổng cộng gần 270 Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Ngày 23/10 vừa qua, tiếp tục khai giảng Khóa 4 với 90 học viên đang được bồi dưỡng tập trung tại Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây).
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho biết: TP tổ chức các khóa học nhằm tạo nhận thức thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi công vụ cho cán bộ chủ chốt UBND cấp xã. Việc tổ chức các khóa học trên quan điểm thực chất và đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến hoạt động công vụ của UBND cấp xã.
Ngoài những lớp mở tại Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ - Công an TP, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ tổ chức thêm các lớp tại trường Trung cấp Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô để đảm bảo đến năm 2020, 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã được bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Đề án. |
“Đây là hình thức bồi dưỡng CBCC mới, được UBND TP quyết tâm chỉ đạo thực hiện. Kết thúc từng khóa học, Sở Nội vụ phối hợp với Học viện đều phát phiếu khảo sát ý kiến của học viên, từ đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện nội dung chương trình. Đáng mừng mới đây, nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng này của Hà Nội được lãnh đạo Bộ Nội vụ đánh giá cao, đang nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng nội dung chương trình áp dụng toàn quốc” - ông Hoa chia sẻ.
Sát với thực tiễn địa phươngTheo Sở Nội vụ, điểm nổi bật ghi nhận từ các khóa bồi dưỡng là đa số học viên đánh giá, nội dung chương trình học bổ ích cho công việc của họ; Các chuyên đề cân đối giữa học lý thuyết và thảo luận, cùng hoạt động đi thực tế, giúp học viên ngày càng nắm vững kỹ năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm. Ngoài tiếp thu kiến thức từ giảng viên, học viên còn có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, nhất là trong cách giải quyết những vấn đề khó, “nóng” tại địa phương. Chẳng hạn, với nhiều xã đang đô thị hóa mạnh, đất nông nghiệp dần thu hẹp, thay vào đó là nhiều dự án phải GPMB, qua lớp học, lãnh đạo xã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong quản lý đô thị, quản lý dân cư ở nhiều lãnh đạo phường, đặc biệt là những địa bàn đông dân, tính đô thị hóa cao.
Chủ tịch UBND xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Bùi Văn Đức là một học viên của lớp bồi dưỡng Khóa 3 vừa kết thúc tháng 9/2018. Chia sẻ với phóng viên, ông Đức cho biết, trong 32 chuyên đề, có rất nhiều chuyên đề có tình huống sát thực tiễn địa phương nên khi gặp những trường hợp thực tế tương tự, học viên dễ nhớ và áp dụng được ngay. “Tôi rất ấn tượng với việc giảng viên hướng dẫn kỹ năng xử lý theo nhóm công việc, giúp chúng tôi định hướng cách xử lý, bố trí, ưu tiên công việc để tổ chức triển khai hàng ngày, hàng tuần đúng quy định và phục vụ Nhân dân tốt hơn” - ông Đức nói. Mỗi khóa học diễn ra trong thời gian không dài nên các giảng viên chỉ hướng dẫn về phương pháp và giúp học viên tiếp tục tự nghiên cứu. Dù mới kết thúc học chưa lâu, nhưng khi trở lại công việc thường ngày, chất lượng điều hành, quán xuyến, thực thi nhiệm vụ và kỹ năng tiếp công dân của nhiều CBCCVC theo ghi nhận đã có sự nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, một điểm thấy rõ từ các lớp học chính là sự quan tâm của lãnh đạo TP, thể hiện mong muốn nâng cao mặt bằng trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở của Hà Nội. Các tình huống sát hơn với thực tế bởi từng chuyên đề đều được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung duyệt, giúp học viên dễ nắm bắt. Đó cũng là cảm nhận của Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) Lê Hải Quang, thành viên lớp bồi dưỡng Khóa 2. Đây là khóa học được rút kinh nghiệm so với khóa đầu và có nhiều đổi mới về tổ chức lớp. Tham gia các chuyến đi thực tế, học viên đã so sánh và học hỏi được rất nhiều từ mô hình của các địa phương bạn. Thông qua lớp học, học viên cũng có thể phối hợp với nhau trong thực tiễn công việc thuận lợi hơn trước. Tốt nghiệp lớp bồi dưỡng, ông Quang cho biết bản thân đã phát huy tốt hơn vai trò của lãnh đạo cơ sở trong tổ chức quản lý, điều hành công việc, có thêm kinh nghiệm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, với các tổ chức đoàn thể…